Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sự khác biệt giữa Mixing và Mastering nhé.
Mixing là gì?
Mixing, nói một cách cơ bản, tức là công việc giúp cân bằng các nhạc cụ đơn lẻ lại với nhau.Thông thường, công việc của một Producer khi Mixing sẽ là cân bằng:
- Âm lượng
- Tần số
- Dynamics
- Không gian
Nghe có vẻ chuyên môn, nhưng cơ bản thì công việc đó sẽ là :
- Bạn không muốn nhạc cụ của bạn quá to hoặc quá nhỏ
- Bạn không muốn chúng xung đột lẫn nhau trong dải tần số
- Bạn không muốn âm thanh trở nên quá dynamics
- Bạn muốn một số âm thanh ở gần hơn hoặc xa hơn đối với những âm thanh khác
Đó chính là Volume, EQ, Compressor và Reverb/Delay.
Trở lại vào thời kỳ trước những năm 1950, công việc của các Mixing Engineer đó là cân bằng các nhạc cụ được thu âm lại. Thời gian trôi đi, công việc của các Mixing Engineer đã phức tạp hơn xưa nhiều, nhưng những giá trị cơ bản vẫn được giữ nguyên đó là sự cân bằng.
Tuy nhiên, Mixing vẫn còn một công đoạn nữa. Đầu tiên bạn bạn tạo ra sự cân bằng, sau đó bạn tạo ra cảm xúc. Bạn sử dụng những kỹ thuật của mình để giúp bản Mix trở nên hay hơn và xuất sắc hơn để đến với người nghe so với đời thực. Qua rất nhiều những thao tác nhỏ đòi hỏi sự tinh tế tỉ mỉ, bạn giúp bài hát nghe hay hơn, bằng cách sử dụng những công cụ như chorus, saturation, stereo, automation …Khi Mixing, bạn có thể can thiệp đến tất cả các nhạc cụ, điều mà khi Mastering không thể làm được. Tuy nhiên, nếu thiếu Mastering, bài nhạc của bạn rất khó để trở nên chuyên nghiệp.
Mastering là gì?
Thông thường, một Master Engineer sẽ nhận bản Mix đã được xuất từ Mixing Engineer. Sau đó, họ sẽ bắt đầu làm việc với 3 mục đích chính:
- Làm cho bản track nghe to hơn
- Làm cho bản track nghe hay hơn
- Làm cho bản track nghe phù hợp với các thiệt bị nghe nhạc
Mục tiêu chính của Mastering là giúp cho bài nhạc của bạn trở nên chuyên nghiệp như các bài nhạc chuyên nghiệp khác cùng thể loại trên thị trường. Có nghĩa là khi người nghe nghe nhạc của bạn trên Youtube, Sportify, loa máy tính, loa kiểm âm, điện thoại … vẫn sẽ không có sự khác biệt quá lớn. Điều này có nghĩa chúng phải có cùng độ lớn, có dải tần tương tự và nghe vẫn hay ở các thiết bị nghe nhạc khác nhau.
Để làm được điều này, các Master Engineer sẽ sử dụng các công cụ chính như Âm lượng, EQ và Compressor … nhưng áp dụng chúng cho toàn bộ bản Mix. Và đặc biệt, họ sẽ sử dụng Limiter – một trong những công cụ quan trọng nhất của Mastering Limiter là một công cụ tăng âm lượng thực tế của bài nhạc. Cơ bản, họ sẽ dùng Limiter để làm cho bài nhạc nghe to hơn so với thực tế. Điều này giúp bài nhạc trở nên hay và hấp dẫn hơn.
Một lý do quan trọng nữa khi Mastering, đó là bạn sẽ có thêm ý kiến tham khảo thứ 2. Master Engineer là một “đôi tai” mới và họ có thể bắt lỗi những lỗi sai mà Mixing Engineer đã bỏ sót.
Những Mixing Engineer đã dành hàng tiếng đồng hồ để xử lý các nhạc cụ trong bản Mix. Sau một thời gian, họ sẽ không còn có thể nghe và đánh giá bài nhạc một cách khách quan và chính xác nữa. Do đó, để đưa bản Track trở nên chuyên nghiệp với cái nhìn khách quan hơn sẽ khá khó khăn với họ. Tuy nhiên, các Master Engineer lại chưa từng nghe bài nhạc của bạn, và nhờ đó họ sẽ có thể dễ dàng bắt lỗi được những lỗi sai trong bài nhạc của bạn.
Mastering sẽ không thể sửa chữa được một bản Mix kém, nhưng nó có thể làm một bản Mix tốt được hay hơn nữa. Khác với Mixing, những thay đổi dù là nhỏ nhất của Mastering sẽ ảnh hưởng đến toàn thể cả bài nhạc.
Vậy tổng kết sự khác biệt giữa Mixing và Mastering là gì?
Tổng kết lại thì
- Mixing có quyền truy cập vào toàn bộ các nhạc cụ đơn lẻ. Mastering chỉ can thiệp vào bản Mix cuối cùng
- Mixing cân bằng các nhạc cụ đơn lẻ. Mastering cân bằng cả bài nhạc
- Mixing tạo nên sự cân bằng và cảm xúc trong bài nhạc. Mastering đảm bảo bài nhạc được phát ra chuyên nghiệp trên các thiệt bị nghe nhạc khác nhau.
Rất hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho các bạn, xin chào và hẹn gặp lại.