Học Producer cần gì và mất bao lâu là câu hỏi mà rất nhiều bạn trẻ đang muốn định hướng nghề nghiệp đặt ra để có thể xác định rõ lộ trình của mình. Producer hay còn gọi là Music Producer (nhà sản xuất âm nhạc) là một nghề nghiệp đang ngày càng được xã hội công nhận và rất nhiều bạn trẻ đam mê âm nhạc mong muốn trở thành.
Music Producer là gì?
Music Producer (nhà sản xuất âm nhạc) là nghề nghiệp để chỉ cá nhân làm trong ngành công nghiệp âm nhạc, đảm nhiệm công việc sản xuất âm nhạc, quản lý nhiều bộ phận khác nhau để hoàn thành bài nhạc. Mặc dù Music Producer là một định nghĩa đã được nhiều người biết đến, tuy nhiên không ít người vẫn nhầm tưởng Music Producer sẽ là người hoàn thành hết bài nhạc từ đầu đến cuối.
Thực tế Music Producer chỉ là người quản lý và chịu trách nhiệm để hoàn thiện bài nhạc, ngoài ra sẽ còn có rất nhiều bộ phận khác chịu trách nhiệm chuyên biệt làm việc cùng họ như:
Songwriter: là nhạc sĩ sáng tác bài nhạc, giúp viết lời và melody (chủ yếu là phần ca từ) của bài nhạc.
Music Arranger: đây là người sẽ xây dựng cấu trúc bài nhạc, sắp xếp bố cục và các thành phần của bài nhạc sao cho hợp lý hài hòa
Composer: là người soạn nhạc, chịu trách nhiệm xây dựng giai điệu cho bài nhạc và các nhạc cụ (thường bị nhầm lẫn với songwriter)
Sound Engineer: là kỹ sư âm thanh giúp đảm nhiệm hỗ trợ, tư vấn, mixing và mastering … cho bài nhạc (recording engineer, sound engineer, mixing engineer, mastering engineer …)
Vocal Producer: là người cố vấn giúp ca sĩ trình bày bài hát
Trang thiết bị cơ bản để sản xuất âm nhạc
Máy tính
Đầu tiên, các Music Producer sẽ cần máy tính để làm nhạc. Chiếc máy tính để làm nhạc sẽ có những yêu cầu riêng về cấu hình khác biệt với gaming hay văn phòng. Bạn có thể tham khảo bài viết này để xây dựng cho mình một pc phù hợp
Hướng dẫn Build máy tính làm nhạc cho Music Producer
Mặc dù về lý thuyết bạn sẽ chỉ cần một PC là có thể làm nhạc được, tuy nhiên nếu như bạn mong muốn biểu diễn hay làm nhạc ở những khác, hay muốn giao lưu kết hợp với những nghệ sĩ khác bên ngoài, bạn có thể sẽ phải sở hữu thêm một laptop. Cơ bản thì PC sẽ hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với Laptop trong quá trình làm nhạc, tuy nhiên nó cũng phụ thuộc vào nhu cầu công việc của bạn.
Ổ cứng di động với dung lượng lớn
Đối với một Producer, thì việc sở hữu ít nhất một ổ cứng di động với dung lượng lớn là điều bắt buộc phải có. Sẽ có rất nhiều Sample, VST hay những bài nhạc, project cần được lưu trữ. Do đó, ngoài máy tính, bạn cũng sẽ cần phải chuẩn bị thêm ít nhất một ổ cứng di động với dung lượng lớn ít nhất từ 512 Gb trở lên để đảm bảo bạn sẽ lưu trữ được nhiều công cụ làm nhạc tốt nhất cho mình.
Tai nghe kiểm âm
Nếu như bạn có mong muốn để trở thành một Music Producer chuyên nghiệp, bạn sẽ cần sở hữu cho mình chiếc tai nghe kiểm âm. Có sự khác biệt rất lớn giữa tai nghe kiểm âm chuyên dụng để làm nhạc và tai nghe thông thường. Tai nghe kiểm âm sẽ cung cấp cho bạn một công cụ tốt nhất để kiểm định bài nhạc, Mixing và Mastering.
Nếu như vẫn chưa có nhiều kiến thức về tai nghe kiểm âm, bạn có thể tham khảo bài viết này
Kinh nghiệm lựa chọn tai nghe kiểm âm giá rẻ dành cho người mới
Các thiết bị khác (tùy chọn)
Sound Card
Sound Card cũng là một thiết bị quan trọng giúp bạn kết nối Midi, Micro, tai nghe kiểm âm, loa kiểm âm … để làm nhạc. Mặc dù vậy, nếu như kinh tế chưa cho phép, bạn có thể sắm Sound Card sau. Ngoài ra, cũng có rất nhiều loại tai nghe kiểm âm có thể cắm trực tiếp vào máy tính mà không cần thông qua Sound Card. Mặc dù vậy, để sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp, bạn vẫn nên chuẩn bị cho mình một chiếc sound card sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bạn trong quá trình làm nhạc.
Loa kiểm âm
Loa kiểm âm cũng là một thiết bị tùy chọn mà bạn có thể sắm. Thực tế thì bạn sẽ rất khó để có thể Mixing và Mastering với loa kiểm âm do bạn sẽ cần phải xử lý âm học cho phòng của mình, và điều này vô cùng tốn kém. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sắm loa kiểm âm giúp reference và cũng để cho không gian làm nhạc của mình trở nên chuyên nghiệp
Midi Controller
Đây cũng là một thiết bị tùy chọn mà bạn có thể cần. Nhưng bạn sẽ cần cân nhắc để sở hữu Midi Controller, đó là bạn chỉ nên sở hữu nó nếu như bạn sử dụng nhiều và rất cần nó. Có rất nhiều Music Producer sở hữu Midi chỉ để test sound mà không sử dụng nhiều tới nó để làm nhạc, thành ra sẽ rất lãng phí. Bạn cần hiểu rằng có rất nhiều bài nhạc ngày nay được làm chỉ với máy tính mà không cần yêu cầu bạn phải chơi nhạc cụ thực sự nào cả. Ngược lại, nếu như bạn biết chơi Piano và bạn cần tới Midi để sản xuất âm nhạc, thì bạn rất cần để sở hữu chúng.
Micro thu âm
Việc cần sở hữu Micro hay không cũng tương tự như các thiết bị trên, nếu như bạn có khả năng hát, Rap hay bạn cần thu demo để sáng tác … bạn sẽ rất cần sở hữu micro. Ngược lại, nếu như bạn không mấy khi sử dụng Micro mà bạn sẽ có những người bạn khác phụ trách đảm nhiệm vai trò hát này, thì bạn không nhất thiết phải sắm. Có rất nhiều Producer chỉ làm nhạc, Remix … mà không sở hữu tới Mic. Nếu như sắm Micro, bạn có thể quan tâm tới hai dòng Mic phổ biến đó là Micro Dynamic và Micro Condenser. Để tìm hiểu kỹ hơn, bạn có thể sẽ cần đọc nhiều bài viết về hai dòng Mic này, tuy nhiên đối với những phòng xử lý âm học kém, bạn nên sử dụng Micro Dynamic để đạt hiệu quả cao nhất.
Học Producer cần học những gì?
Kỹ năng sử dụng DAW và nhạc lý
Tương tự như những nghề nghiệp khác, Music Producer cần rất nhiều kiến thức mà bạn cần học hỏi và trang bị. Đầu tiên quan trọng nhất mà bạn cần học lúc đầu, đó là cách sử dụng DAW (phổ biến nhất là FL Studio) và kiến thức về nhạc lý. Nếu như bạn là người hoàn toàn mới, bạn không nhất thiết phải bỏ tiền để học hai kỹ năng này, vì có rất nhiều khóa học miễn phí ngày nay có thể giúp đỡ bạn. Thông qua các khóa học miễn phí ấy, bạn có thể tự đánh giá xem bản thân có năng khiếu với bộ môn này không, tránh đầu tư lãng phí. Bạn có thể tham khảo các khóa học miễn phí tại đây:
Tổng hợp các khoá học FL Studio miễn phí
Trong đây đã có các khóa học hướng dẫn sử dụng phần mềm FL Studio, kiến thức nhạc lý cơ bản và những khóa học miễn phí giúp bạn cải thiện về soạn Melody, Mixing Mastering cơ bản … mà bạn không tốn bất kỳ chi phí nào.
Kiến thức chuyên sâu hơn để làm nhạc
Khi đã có thể làm được những bài nhạc đơn giản, bạn có thể bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu hơn về việc làm nhạc. Sẽ có rất nhiều kiến thức mà bạn cần học. Đó là các kiến thức về các thể loại âm nhạc, chọn Sound phù hợp, soạn giai điệu, kiến thức sử dụng các VST, Mixing, Mastering … Đây là giai đoạn mà bạn phải thực sự đam mê để khám phá những kiến thức chuyên sâu này.
Bạn có thể khám phá và học hỏi từ rất nhiều nguồn khác nhau như Youtube, mua khóa học làm nhạc theo thể loại, tham gia cộng đồng Group làm nhạc trên Facebook, Zalo, tham gia các buổi Workshop về sản xuất âm nhạc … Mặc dù lúc này bạn đã học những kiến thức nâng cao hơn về làm nhạc, nhưng vẫn còn rất xa để bạn có thể trở thành những Music Producer chuyên nghiệp và có thể kiếm được tiền từ nó. Ở giai đoạn này, bạn sẽ cần tích lũy cho mình thật nhiều kiến thức và kinh nghiệm, lắng nghe sự góp ý của khán giả hay những chuyên gia để giúp bạn tiến bộ dần.
Có thật nhiều kinh nghiệm làm những bài hoàn chỉnh
Những kiến thức dù có nhiều nhưng nếu bạn không biến nó thành những sản phẩm âm nhạc, thì đó cũng chỉ là những lý thuyết. Khi bạn đã có thật nhiều kiến thức về làm nhạc rồi, bạn sẽ cần thực hành rất nhiều để trau dồi khả năng bản thân hơn. Quá trình này có thể sẽ mất rất nhiều thời gian, bạn có thể sẽ phải tự mình làm những bài hoàn chỉnh mà không ai biết đến. Bạn sẽ rất cần những người bạn, những người cùng chung đam mê đồng hành với bạn để bạn có thể hợp tác với nhiều người hơn, giúp bạn có nhiều kiến thức thực tế hơn nữa để hoàn thiện bài nhạc.
Những kinh nghiệm cũng đến từ những việc làm liên quan đến âm nhạc như bạn có thể làm việc tại các phòng thu, hay sản xuất âm nhạc tự do và thu những thù lao đầu tiên (dù ít ỏi) đầu tiên cho mình. Sự định giá về sản phẩm của bạn và cả danh tiếng sẽ giúp khách hàng biến đến bạn và bắt đầu làm việc với bạn nhiều hơn. Mặc dù vậy bạn cũng vẫn không được quên phải liên tục trau dồi việc học nhạc để liên tục cập nhật kiến thức âm nhạc mỗi ngày.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết gợi ý về những việc làm mà bạn có thể bắt đầu ứng tuyển khi đã sẵn sàng
Gia tăng cơ hội tìm việc làm cho Producer với những bí quyết sau
Học Producer mất bao lâu để bắt đầu kiếm được tiền?
Thực ra cũng sẽ tùy khả năng của mỗi Producer để bạn có thể bắt đầu kiếm được tiền. Tuy nhiên, điều quan trọng đó là bạn sẽ duy trì được mức thu nhập này trong bao lâu. Nếu như không vững về kiến thức sản xuất âm nhạc, sẽ rất khó để bạn có thể tồn tại và duy trì được công việc này. Ngược lại, nếu như bạn đam mê và đã có những khách hàng trung thành, thì việc xây dựng và phát triển thêm cho bản thân là việc không hề khó. Thời gian có thể sẽ mất tới hàng năm thậm chí lâu hơn để bạn có thể thực sự được biến đến và gây dựng được tên tuổi, tuy nhiên mấu chốt là bạn có đam mê âm nhạc không và bạn theo đuổi nó trong bao lâu.
Mặc dù vậy, cũng đừng quên rằng âm nhạc vốn là một kỹ năng liên quan nhiều tới năng khiếu. Nếu như bạn vô cùng đam mê âm nhạc, nhưng bạn lại không có năng khiếu vượt trội, bạn sẽ chỉ nên coi nó như một thú vui mỗi ngày và không nên đặt nặng quá vào việc kiếm tiền. Đôi khi đơn giản chỉ cần tự mình sản xuất cho bản thân, bạn bè những bài nhạc riêng đã là một niềm tự hào mà ít người làm được rồi.
Tổng kết
Ở bài viết này, chúng tôi đã đề cập cho bạn về việc học producer cần gì và mất bao lâu. Bài viết này mang tính chất gợi ý con đường dành cho những bạn trẻ bắt đầu tìm hiểu về nghề sản xuất âm nhạc. Chúng tôi rất khuyến khích các bạn mới nên tự mình học và làm những bài nhạc đơn giản đầu tiên cho mình thông qua các khóa học miễn phí rồi mới đầu tư tiền bạc. Rất hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn. Xin chào và hẹn gặp lại.