Mixing cơ bản

Những lưu ý khi Mixing với tai nghe kiểm âm và cách khắc phục

Việc sử dụng tai nghe kiểm âm để làm nhạc và Mixing hiện nay đã trở nên phổ biến. Mặc dù có nhiều yếu điểm hơn so với loa kiểm âm, tuy nhiên vì yếu tố kinh tế cũng như sự tiện dụng mà tai kiểm đã được sử dụng rất hiệu quả để làm nhạc. Mặc dù vậy, bạn có thể cần phải tìm hiểu về những lưu ý khi sử dụng tai nghe kiểm âm để làm nhạc. Chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu nhé.

Mixing với loa kiểm âm không hề đơn giản

Đại đa số chúng ta đều sử dụng tai nghe kiểm âm để làm nhạc và Mixing. Không chỉ là do tiện lợi khi sử dụng, mà tai nghe kiểm âm còn là giải pháp rất hiệu quả giúp Mixing bài nhạc hiệu quả. Thực tế bạn cũng có thể sở hữu chiếc loa kiểm âm, tuy nhiên nếu như phòng làm nhạc của bạn không được xử lý âm học chuẩn, thì chiếc loa kiểm âm sẽ không thể phát huy hiệu quả. Những tiếng dội âm không mong muốn vừa có thể cộng hưởng, vừa có thể triệt tiêu bài nhạc của bạn khi phát trên loa, từ đó khiến bài nhạc trở nên sai lệch và điều này rất tệ khi Mixing.

Có rất nhiều trường hợp, nhiều bạn dán mút trứng tiêu âm khắp quanh phòng, điều này cũng không giúp phòng của bạn được xử lý âm học đúng cách. Mút trứng tiêu âm chỉ có thể hấp thụ được phần nào ở dải trung cao trở lên, trong khi những dải âm còn lại thì không thể được xử lý (đặc biệt ở dải tần số thấp hơn). Do không được xử lý, nên các âm thanh trong dải này vẫn bị cộng hưởng, thành ra việc sử dụng loa kiểm âm lúc này cũng không thể phát huy được sử hiệu quả.

Thực tế chi phí để xử lý âm học chuẩn cho phòng thu là rất lớn, ngoài chi phí cho loa kiểm âm, bạn cũng phải đầu tư những vật liệu tiêu âm chất lượng và được thi công đúng về mặt âm học, do những chuyên gia âm học có kiến thức xử lý. Thành ra chi phí xây dựng một phòng làm nhạc đạt chuẩn Hi-End để giúp tái tạo âm thanh trung thực sẽ cần số tiền rất lớn.

Một giải pháp khác, đó là bạn có thể sử dụng chủ yếu chiếc tai nghe kiểm âm để làm nhạc và Mixing Mastering. Tai nghe kiểm âm có giá thành thấp hơn nhiều so với đầu tư Mixing bằng loa kiểm. Tuy nhiên, tai nghe kiểm âm cũng có những hạn chế nhất định.

Điểm yếu khi Mixing với tai kiểm âm

Có một câu nói rất hay đó là âm thanh được nghe thấy còn phụ thuộc vào không gian mà bạn nghe nhạc. Thật vậy, âm thanh khi phát ra từ nguồn phát không chỉ tới ngay tai người nghe. Ngoài một lượng âm thanh trực tiếp tới tai người nghe, sẽ có rất nhiều âm thanh khác sau khi rời khỏi nguồn phát sẽ phản xạ trong không gian mà nó đang phát, rồi mới đến tai chúng ta. Vì lý do này, khi bạn sử dụng tai nghe kiểm âm rất khó để phản ánh chính xác không gian phòng.

Một điều nữa, vì đặc tính của tai nghe kiểm âm đó là khi âm thanh phát ra từ tai nghe nào thì bạn sẽ được nghe âm thanh đó bằng tai ở bên đấy, cụ thể như nếu nguồn phát nhạc ở tai nghe bên trái thì sẽ được tai trái của bạn nghe thấy, tai phải của bạn không thể nghe thấy và ngược lại. Trong khi thực tế, nếu âm thanh được phát ra từ loa, bạn sẽ nghe thấy được âm thanh được phát ra từ loa trái bằng tai phải. Đây được gọi là hiệu ứng crossfeed. Chính bởi yếu tố này khiến cho sử dụng tai nghe kiểm âm đánh mất đi sự tự nhiên của bài nhạc.

Tai nghe kiểm âm cũng không thể đánh giá tốt về âm trường của bài nhạc tốt như loa kiểm âm do thiếu phản hồi từ môi trường, thiếu cảm giác không gian và thiếu cảm giác về âm lượng cũng như áp lực về loa. Điều này rất quan trọng đặc biệt khi bạn cần đánh giá về các yếu tố như Bass hay Dynamics của bài nhạc.

Vậy những giải pháp hỗ trợ là gì?

Vì những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù bạn có thể Mixing 100% với tai nghe, nhưng bạn vẫn sẽ cần kiểm tra thêm bài nhạc của mình thông qua loa kiểm âm cũng như kiểm tra ở nhiều môi trường khác nhau. Bạn vẫn có thể sử dụng loa kiểm âm và xử lý nhẹ nhàng phòng làm việc của mình để kiểm tra bài nhạc của mình được dễ dàng hơn, mặc dù chúng ta cần hiểu rằng nó vẫn có sai số rất lớn do phòng không được xử lý âm học triệt để. Tuy nhiên, vì đã sử dụng tai nghe kiểm âm chủ yếu từ trước rồi, cho nên lúc này bạn chỉ cần kiểm tra những phần yếu điểm của tai nghe kiểm âm để khắc phục và nâng cấp hơn bản Mix của mình.

Một cách khác nữa là bạn có thể ngoài sử dụng một chiếc tai nghe kiểm âm, thì bạn có thể sở hữu thêm loa Single Driver Monitor giúp kiểm âm Mono. Đây là loa kiểm âm chuyên dụng giúp bạn kiểm tra âm thanh Mono của bài nhạc, các âm thanh như trung âm và âm cao sẽ trở nên rất rõ ràng, giúp bạn kiểm tra lỗi. Thiết bị này bổ trợ rất nhiều cho tai nghe kiểm âm.

Tuy nhiên, nếu như bạn không có đủ ngân sách cũng như môi trường làm nhạc thường xuyên phải di chuyển, bạn cũng không quá khó tính trong việc Mixing, thì bạn có thể tham khảo giải pháp sau đây.

Kiểm tra bài nhạc với thiết bị mô phỏng phòng thu

Mặc dù vẫn có nhiều tranh cãi, tuy nhiên nếu như điều kiện không cho phép, tai nghe là thiết bị làm nhạc duy nhất mà bạn có, thì bạn có thể sử dụng phần mềm mô phỏng phòng thu. Với phần mềm dạng này, bạn có thể kiểm tra bài nhạc của mình qua các thiết lập mô phỏng các phòng thu, các môi trường nghe nhạc khác nhau, từ đó đưa cho bạn những gợi ý giúp bạn hoàn thiện hơn bài nhạc của mình.

Bạn có thể sử dụng một phần mềm khá phổ biến trong việc này, đó là Michecker Pro, tuy nhiên trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn phần mềm đó là dSONIQ Realphones.

Mặc dù trên website của nhà phát hành nói rằng bạn có thể sử dụng phần mềm này như một công cụ giúp bạn Mixing hiệu quả hơn, tuy nhiên, chúng tôi gợi ý rằng bạn chỉ nên sử dụng phần mềm này để kiểm tra bài nhạc sau khi đã Mixing xong. Điều này sẽ giúp cho việc làm nhạc trở nên khách quan và chính xác hơn, bởi vì dù sao những thiết lập của nó cũng là ảo và bạn không thể tin tưởng nó 100% được.

Sau khi cài xong phần mềm Realphones, bạn mở nó lên, đây là giao diện của phần mềm

Trước khi bắt đầu sử dụng, bạn nhớ chuyển tai nghe ở Win sang chế độ Line Realphones Wide

Bạn lưu ở trong FL Studio, cũng có VST Realphones với chức năng sử dụng tương tự. Bạn có thể cho vào cột Master để kiểm tra khi cần nhé

Ở giao diện, chúng ta có thể thấy việc sử dụng phần mềm này khá đơn giản. Bên góc trái trên cùng sẽ là nơi bạn lựa tai nghe phù hợp. Có các lựa chọn như Studio Open là tai nghe mở, Studio Close là tai nghe đóng. Lựa chọn này giúp bạn kiểm tra bài nhạc của mình qua 2 dạng tai kiểm này (lưu ý ở mục preset bạn cần để Reference Monitoring – Phones). Nếu chưa hiểu về tai nghe kiểm Open và Close Back, bạn có thể tham khảo bài viết này Kinh nghiệm lựa chọn tai nghe kiểm âm giá rẻ dành cho người mới

Mục Correction trong RealPhones là một tính năng cho phép bạn tinh chỉnh âm thanh tái tạo từ tai nghe để đạt được kết quả phản ánh chính xác nhất về âm thanh. Tính năng correction được sử dụng để hiệu chỉnh những đặc điểm âm thanh không hoàn hảo của tai nghe

Ở góc bên trái phía dưới sẽ là những môi trường âm thanh mà bạn lựa chọn, sẽ có rất nhiều lựa chọn giúp bạn khám phá. Ở phía dưới sẽ là những lựa chọn nhỏ để bạn tùy chọn, ví dụ bạn muốn nghe ở xa hay ở gần, ở quán Cafe hay Bar … với mỗi môi trường sẽ có những lựa chọn phụ để bạn chọn

Tùy chỉnh Environment giúp bạn tinh chỉnh sự can thiệp của môi trường vào bài nhạc. Brightness để càng thấp thì bài nhạc càng tối, để càng cao thì bài nhạc sẽ trở nên sáng hơn (can thiệp bằng EQ).

Góc bên phải dưới cùng sẽ là 3 lựa chọn M (Mono), S (Side) và Low End. Bạn chọn M phần mềm sẽ đặt bài nhạc ở chế độ Mono (chỉ nghe được âm thanh ở chính giữa từ một loa duy nhất), tương tự S sẽ là ở chế độ Side (nghe được âm thanh ở 2 bên tai, bỏ qua âm thanh Mono). Nút cuối giúp bạn nghe kỹ phần Low End của bài nhạc, đây cũng là phần rất khó xử lý và bạn sẽ cần kiểm tra kỹ.

Ứng với mỗi lựa chọn, bạn đều sẽ thấy Frequence respond do phần mềm mô phỏng khi đặt ở từng môi trường âm thanh nhất. Mặc dù nghe bằng tai nghe kiểm âm, nhưng bạn vẫn sẽ cảm thấy như nghe bài nhạc qua loa. Nhờ những kiểm tra kỹ lưỡng này, bạn sẽ chỉnh sửa được bài nhạc của mình tốt hơn nữa thay vì chỉ Mixing qua tai nghe kiểm âm đơn thuần.

Đừng quên kiểm tra bài nhạc qua các thiết bị nghe thực tế

Mặc dù chúng ta đã có những phần mềm mô phỏng giúp đỡ, nhưng bạn vẫn nên kiểm tra bài nhạc của mình sau khi Mixing với thật nhiều thiết bị âm thanh ví dụ như điện thoại, loa bluetooth, loa laptop, loa vi tính, TV … đây đều là những thiết bị mà bạn có thể sở hữu tại nhà mà bạn có thể lôi ra để kiểm tra.

Sau khi đã kiểm tra thật nhiều, bạn sẽ note lại những lỗi và những vấn đề bản phối của mình gặp phải khi nghe ở nhiều môi trường và nhiều thiết bị nghe khác nhau, từ đó chỉnh sửa lại sao cho nó nghe hay nhất có thể khi bật với các thiết bị khác nhau.

Tổng kết

Như vậy, bài viết này đã cho bạn những gợi ý để giúp bạn làm nhạc và Mixing tốt hơn với tai nghe kiểm âm. Rất hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho các bạn. Xin chào và hẹn gặp lại.

 

5/5 - (1 bình chọn)
Bình luận

Hiển Sàn

About Author

Mình là Đàm Vinh Hiển. Mình là một Producer tự do. Mình từng hợp tác và làm nhạc cho một số nghệ sĩ như ca sĩ Thu Thuỷ, rapper Robber, Winno (Hustlang), nhạc sĩ Phương Duy Anh (sáng tác ca khúc Giả vờ yêu) … Mình cũng từng được duyệt và phát hành một số bản Remix trên các nền tảng như Dzus Records, Hoa hồng dại, Nhaccuatui … Hiện mình cũng đang hợp tác với Song Đạt Media để tuyển dụng các Music Producer làm nhạc và tìm mua các bài nhạc chất lượng để phát hành. Hy vọng với kinh nghiệm của mình có thể giúp đỡ các bạn làm nhạc hay hơn nữa với FL Studio.

Bài viết liên quan

Mixing cơ bản

Giới thiệu âm Mid, âm Treble

Mặc dù âm bass có vai trò quan trọng trong chất lượng âm thanh nhưng chỉ có mình nó thì
Mixing cơ bản

EQ là gì?

EQ trong âm nhạc hiểu đơn giản là thiết bị giúp thay đổi âm sắc của âm thanh, bằng cách
Chat hỗ trợ
Chat ngay