Kiến thức âm nhạc

Xử lý âm học phòng thu cho người mới – Tiêu âm và tán âm

Bài viết này nhấn mạnh về việc làm thế nào để chuẩn bị và lập kế hoạch cho việc xử lý âm học cho phòng thu  và phòng làm nhạc. Mặc dù điều này rất quan trọng đặc biệt khi xây dựng phòng thu, tuy nhiên thường bị đánh giá thấp hoặc bị bỏ qua. Hay nhiều khi, các Producer đặt quá nhiều tầm quan trọng vào nhạc cụ hay thiết bị thu âm, mà bỏ quên đi những âm thanh của các nhạc cụ ấy sẽ phát ra âm thanh như thế nào nếu thu lại ở trong phòng. Phòng thu được xử lý tiêu âm đúng cách sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công việc của bạn hơn những gì bạn nghĩ.

Phòng không được xử lý âm học đúng là một trong những lý do khiến cho nhiều người cảm thấy rất thất vọng khi phát hiện ra chiếc Micro Condenser trị giá 3000 đô của họ lại nghe tệ hơn so với chiếc micro 100 đô mà họ đã có trước đó. Vì vậy, để tránh trường hợp này, điều quan trọng nhất bạn có thể làm đó là hiểu biết về chủ đề âm học, tiêu âm, tán âm càng sớm càng tốt. Và với bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chúng nhé

Bài viết được lược dịch từ website https://ehomerecordingstudio.com và tổng hợp từ những nguồn bên ngoài

Lý thuyết về âm thanh trực tiếp và âm thanh phản xạ

Sự khác biệt giữa âm thanh trực tiếp và âm thanh phản xạ là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách mà âm thanh xuất hiện ở trong phòng và nó đã di chuyển như thế nào để đến được với Micro khi thu âm

Đầu tiên, âm thanh được phát theo các hướng khác nhau từ nguồn phát (ví dụ từ Vocal, từ nhạc cụ …). Một phần của nó (âm thanh trực tiếp) sẽ di chuyển thẳng đến Micro. Phần còn lại (âm thanh phản xạ) sẽ phản xạ tán loạn giữa các bề mặt của căn phòng, và một trong số chúng sau 1 khoảng thời gian nhỏ sẽ đến với Micro một cách tình cờ. Vì âm thanh trực tiếp trước đó không tương tác với căn phòng, do đó âm thanh của nó được giữ nguyên bản và không bị biến dạng. Tuy nhiên, âm thanh phản xạ lại bị ảnh hưởng mạnh mẽ của các bề mặt khác nhau trong phòng nên có thể bị phản xạ hoặc hấp thụ sau khi tương tác theo các góc độ khác nhau. Sự biến đổi này trong phòng thu hay phòng làm nhạc thường có ý nghĩa tiêu cực trong thu âm, làm nhạc hay Mixing/Mastering.

Tiêu âm / Hấp thụ (absorption) âm thanh là gì?

Tiêu âm là quá trình hay vật liệu được sử dụng để hấp thụ âm thanh trong không gian, giúp giảm bớt hiệu ứng phản xạ âm thanh và làm giảm sự phản lại âm thanh. Điều này giúp chất lượng âm thanh trong phòng thu trở nên khô hơn, rõ ràng hơn

Tán âm (diffusion) là gì?

Tán âm là quá trình hoặc sử dụng vật liệu để sử dụng giúp phân tán âm thanh trong không gian, thay đổi hướng di chuyển của sóng âm và làm giảm sự tập trung của âm thanh ở một điểm nhất định. Điều này giúp làm giảm hiện tượng phản xạ âm thanh đặc biệt với âm vọng, và tạo ra môi trường âm thanh cân bằng hơn.

Diffusion làm thế nào để cải thiện âm thanh ở trong phòng?

Bạn cần hiểu rằng, nếu toàn bộ phòng của bạn chỉ có hấp thụ / tiêu âm, thì căn phòng của bạn sẽ có âm thanh bí, không tự nhiên. Do đó, giải pháp ở đây là để một vài phản xạ vẫn còn tồn tại, nhưng chúng ta sẽ phân tán chúng bằng cách sử dụng các thiết bị tán âm chuyên dụng, để âm thanh không gian trở nên trung lập và dễ chịu với tai người nghe.

Thông thường, các âm thanh phản xạ chưa được xử lý sẽ gây ra rắc rối ở một vài điểm, làm cộng hưởng ở một số tần số nhất định, trong khi đó lại triệt tiêu ở các dải tần số khác. Đây chính là nguyên nhân khiến cho cân bằng tần số tự nhiên bị phá vỡ. Các thiết bị tán âm (diffusion) sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách phân tán những âm thanh phản xạ ấy để chúng không bị kẹt trong khi âm sắc tự nhiên vẫn được bảo toàn.

Với sự kết hợp đúng đắn này của cả nguyên lý hấp thụ và phân tán âm thanh, bạn có thể biến đổi âm thanh của hầu hết bất kỳ phòng thu nào.

Sự khác biệt giữa cách âm và xử lý âm học?

Có một số người nhầm lẫn giữa thuật ngữ cách âm và xử lý âm học. Sự nhầm lẫn hai khái niệm này là rất tai hại, vì chúng hoàn toàn khác biệt. Mục đích của cách âm đó là ngăn chặn âm thanh để khiến âm thanh ở trong phòng thu không bị lọt ra ngoài, và âm thanh bên ngoài không lọt vào trong phòng thu. Ở Việt Nam thông thường thi công cách âm sẽ sử dụng những vật liệu như bông thuỷ tinh, bông khoáng, cửa cách âm … Lợi ích của cách âm đó là bạn có thể thu âm, làm nhạc, hát bất kỳ khi nào bạn muốn mà không lo lắng làm phiền gia đình và hàng xóm.

Trong khi đó, xử lý âm học trong phòng thu lại chỉ việc kiểm soát các âm thanh phản xạ trong phòng để thu âm chất lượng hơn. Cả cách âm và xử lý âm học đều rất quan trọng, nhưng đây là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Chiến lược xử lý âm học cho phòng thu và phòng Mixing/Mastering

Trong các phòng thu chuyên nghiệp, sẽ được chia làm các phòng chuyên môn riêng biệt như phòng thu âm và phòng Mixing âm thanh. Sẽ có các chiến lược xử lý âm thanh khác nhau cho mỗi loại phòng này.

Ở phòng Mixing sẽ có mục tiêu chính là đảm bảo rằng âm thanh được tái tạo một cách chính xác và trung thực. Chiến lược xử lý âm thanh trong phòng Mixing sẽ tập trung vào việc kiểm soát phản xạ âm thanh từ tường, trần để giảm thiểu sự biến đổi âm thanh không mong muốn, giúp tạo ra môi trường nghe tốt nhất cho việc Mixing và Mastering. Sự cân bằng giữa hấp thụ và phân tán âm thanh ở phòng Mixing này rất quan trọng để âm thanh được nghe một cách chính xác nhất.

Ở phòng thu trực tiếp thường được sử dụng để thu âm các nhạc công và ca sĩ, nơi âm thanh được tạo ra và thu âm trực tiếp. Chiến lược xử lý âm thanh trong phòng thu trực tiếp thường tập trung vào việc kiểm soát phản xạ âm thanh để tạo ra môi trường thu âm rõ ràng và cân bằng. Bạn sẽ sử dụng hấp thụ âm thanh để giảm thiểu các âm thanh phản xạ không mong muốn và tạo ra không gian thu âm tốt. Trong các phòng thu trực tiếp này, cần sử dụng các vật liệu tiêu âm để kiểm soát âm thanh phản xạ, tạo môi trường thu âm tự nhiên và rõ ràng.

Ba vật liệu phổ biến giúp xử lý âm học

Giờ đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các vật liệu tiêu âm với ba vật liệu phổ biến nhất, đó là:

Bass Trap – chuyên dùng để hấp thụ chủ yếu tần số trầm và cả các dải tần số khác

Tấm tiêu âm – chuyên để hấp thụ chủ yếu các dải tần số trung và cao

Diffusion – chuyên để phân tán các tần số còn lại

Bass Trap – Vật liệu hấp thụ tần số trầm

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất đó là việc hấp thụ các dải Bass. Nếu như bạn không dư dả tiền và chỉ có thể mua một thứ duy nhất để tiêu âm, hãy mua Bass Trap. Bass Trap không chỉ hấp thụ các dải tần số thấp, mà chúng còn có thể hấp thụ thêm các dải tần số khác (tuy nhiên hiệu suất hấp thụ không cao như với dải Bass). Vì vậy, chúng duy trì sự cân bằng tần số tự nhiên cho các âm thanh phản xạ. Trong các phòng nhỏ, nơi các tần số Bass có thể gây ra các vấn đề, Bass Trap là một phần không thể thiếu

Tấm tiêu âm – Giải pháp hấp thụ tần số trung và cao

Nhiều người nghĩ rằng các tấm tiêu âm được biết đến như những vũ khí chính chống lại các âm thanh kém chất lượng. Tuy nhiên, sự thật là các tấm Panel tiêu âm này thường không hiệu quả trong việc hấp thụ và xử lý các tần số Bass, do đó chúng chỉ nên được sử dụng sau Bass Trap.

Tuy nhiên, Bass Trap thường được đặt ở góc của phòng (bởi vì các góc này sẽ là nơi mà các sóng Bass thường tích tụ), điều mà chúng không thể làm được đó là tiêu diệt các sóng âm đứng (standing waves) tồn tại giữa các bức tường song song và đối diện nhau. Do đó, đây sẽ là nhiệm vụ chính của các tấm Panel tiêu âm, trong khi đó Bass Trap sẽ tập trung chính vào việc hấp thụ các dải tần Bass.

Diffusers – Vật liệu tán âm

Tấm tán âm (diffuser) là một loại vật liệu được dùng để phân tán âm thanh trong phòng thu. Chúng giúp phân tán và phản xạ các sóng âm, ngăn chúng tập trung tại một điểm cụ thể và tạo ra môi trường cân bằng dễ chịu. Các tấm tán âm này cũng thường được sử dụng trong các phòng làm nhạc để cải thiện chất lượng âm thanh và giảm tiếng vang.

Thông thường, Diffusers được sử dụng nhiều hơn trong phòng Mixing hơn là phòng thu âm trực tiếp. Lý do chính đó là ở phòng Mix, mục tiêu chính đó là tạo ra môi trường âm thanh cân bằng và không gian dễ chịu để nghe và đánh giá âm nhạc. Các diffuser giúp phân tán và phản xạ âm thanh một cách đồng đều trong không gian, giảm tiếng vang và giúp âm thanh trở nên rõ ràng và chi tiết. Trong khi đó, phòng thu âm trực tiếp thường muốn kiểm soát âm thanh để có được bản thu âm tốt nhất có thể, ít sự biến đổi âm thanh nhất có thể. Ở trong môi trường ấy, việc hấp thụ âm thanh thường được ưu tiên hơn là phần tán âm. Tuy nhiên, cũng tuỳ vào thiết kế của phòng và mục tiêu cụ thể để lắp đặt các diffuser.

Hầu hết các kỹ sư âm thanh đều cho rằng các vật liệu tán âm (diffusers) ít hiệu quả hơn trong các phòng thu nhỏ tại nhà, so với các phòng lớn của các studio chuyên nghiệp. Do đó, các phòng thu nhỏ tại nhà thường sẽ không sử dụng các diffusers. Đây là một tin tốt nếu như bạn đang có một ngân sách hạn chế vì các diffusers thực sự khá đắt đỏ. Tuy nhiên, có một số người lại không đồng ý với lý thuyết này và sử nhiều rất nhiều chúng ở trong phòng nhỏ. Mặc dù vậy, hãy nhớ bạn sẽ cần xử lý phần hấp thụ âm thanh trước khi tán âm.

Xử lý âm học cho phòng của bạn

Khi bạn đã hiểu về Bass Trap, tấm tiêu âm và Diffusers, đã đến lúc bạn cần xem xét cách set up chúng. Bạn không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của việc này, bởi vì cách bạn set up sẽ tác động tổng thể lớn nhất đến kết quả cuối cùng.

Bước 1: Đánh giá phòng trống ban đầu

Bạn sẽ dạo quanh phòng và vỗ tay càng to càng tốt từ mọi vi trí, lắng nghe kỹ các âm thanh phản xạ sau đó. Trong trường hợp xấu nhất, bạn sẽ nghe thấy âm thanh chói tai như của kim loại, thường xuất hiện trong các phòng lập phương nhỏ. Trong trường hợp tốt nhất, bạn sẽ nghe thấy một âm vang dễ chịu, thường xuất hiện ở các phòng lớn có trần cao, góc tường đa dạng với nhiều bề mặt giúp tán âm. Khả năng lớn là bạn sẽ nghe được âm thanh ở giữa hai trường hợp này.

Nếu nó gần với trường hợp 1, bạn sẽ cần hấp thụ/tiêu âm tối đa để làm cho âm thanh trở nên khô nhất có thể. Nếu nó ở gần trường hợp 2, bạn sẽ cần ít vật liệu hấp thụ hơn và cần nhiều vật liệu tán âm hơn. Nếu bạn có nhiều phòng để lựa chọn, hãy thử nghiệm vỗ tay để lựa chọn xem phòng nào có âm thanh tốt nhất.

Ngay cả khi bạn bắt đầu với một phòng có âm thanh tốt, bạn có thể vẫn muốn loại bỏ những âm thanh phản xạ đó, để bạn có thể thêm vào những Reverb kỹ thuật số hơn vào bản Mix sau này.

Bước 2: Các góc ưu tiên cần được xử lý lần lượt

Các góc ưu tiên cần được xử lý trong phòng bao gồm:

  • Góc tam giác: được hiển thị trong hình dưới dạng các chấm góc đỏ
  • Góc hai mặt phẳng: được hiển thị trong hình dưới dạng đường màu xanh dương
  • Tường: được hiển thị dưới dạng các hình vuông màu trắng

Các góc tam giác sẽ được ưu tiên xử lý đầu tiên, bởi vì chúng về cơ bản được bao phủ bởi 3 bề mặt cùng lúc, nên xử lý những góc này sẽ hiệu quả gấp 3 lần so với chỉ bao phủ 1 bề mặt. Góc hai mặt phẳng được ưu tiên xử lý tiếp theo vì chúng bao phủ 2 bề mặt. Tường được ưu tiên cuối cùng vì chúng chỉ bao phủ 1 bề mặt.

Bước 3: Bass Trap được đặt ở các góc tam giác

Như bạn đã biết, Bass Trap có thể hấp thụ âm thanh ở nhiều dải tần số (chủ yếu là dải tần số Bass, và hiệu suất ít hơn ở các dải còn lại), do đó bạn cần đặt Bass Trap vào khu vực được ưu tiên nhất. Bạn sẽ gắn một Bass Trap ở mỗi góc tam giác

Bước 4: Đặt các tấm tiêu âm uốn cong ở góc hai mặt phẳng

Bạn sẽ uốn cong các tấm tiêu âm theo hình dạng của các góc. Bạn có thể sử dụng các khung dựng hoặc các vật liệu dẻo để giúp uốn tấm tiêu âm một cách linh hoạt. Khi tấm tiêu âm đã được uốn cong theo hình dạng của góc, bạn đặt chúng một cách chính xác ở vị trí góc hai mặt phẳng. Đảm bảo rằng tấm tiêu âm che phủ được càng nhiều diện tích của góc hai mặt phẳng càng tốt để có thể hấp thụ tốt nhất. Bạn cũng cần để lại một khoảng trống không khí giữa tấm tiêu âm và bề mặt góc hai mặt phẳng. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng hấp thụ âm trầm của tấm tiêu âm

Bước 5: Thêm các tấm tiêu âm phẳng vào tường theo mô hình kẻ ô

Giờ chúng ta sẽ xử lý hai bức tường đối diện song song nhau. Ở hai bức tường song song nhau, các sóng âm có xu hướng phản chiếu đi lại ở cùng một điểm, gây ra việc cộng hưởng ở một số tần số và triệt tiêu ở dải khác. Để tránh vấn đề này, bạn sẽ gắn các tấm tiêu âm phẳng lên tường và đảm bảo chúng phân bố đều khắp cả phòng. Để có hiệu quả tối đa từ một lượng hạn chế các tấm tiêu âm, tránh đặt trên cả hai điểm đối diện của hai bức tường đối diện, thay vào đó, hay đặt lệch vị trí của chúng như mô hình kẻ ô

Bước 6: Thêm vật liệu tán âm vào trần và tường bên trên (tuỳ chọn)

Đa số đều đồng ý với lý thuyết của tán âm đó là nó sẽ hiệu quả hơn đáng kể trong phòng lớn so với phòng nhỏ. Thêm vào đó, sự thật là các tấm diffusers khá đắt đỏ và sẽ không ngạc nhiên nếu như các phòng thu tại nhà đều bỏ qua chúng. Nếu bạn sử dụng chúng, bạn có thể đặt chúng trên trần và các phần trên của tường, ở trên đầu như trong hình. Mọi thứ ở dưới khu vực này sẽ hoàn toàn là hấp thụ.

Mặc dù các Diffusers thường được gắn lên trần để phân tán âm thanh từ trên xuống dưới một cách đều đặn, nhưng trong một số trường hợp, bạn cũng có thể gắn diffuser lên tường. Việc đặt diffussers lên tường có thể giúp tạo ra sự phân tán âm thanh trong phòng và giảm thiểu sự phản xạ âm thanh từ các bề mặt, tuy nhiên điều này cần được thử nghiệm và tuỳ vào điều kiện cụ thể của từng phòng cũng như thiết kế của mỗi người.

Bước 7: Kiểm tra (quan trọng nhất)

Giờ đã tới lúc chúng ta kiểm tra thành quả. Bạn có thể thử nghiệm vỗ tay một lần nữa để xem xét kết quả. Tuy nhiên, thay vì chờ đến cuối cùng mới kiểm tra, bạn có thể liên tục kiểm tra trong quá trình lắp đặt. Khi được xử lý âm học đúng đắn, bạn sẽ thấy âm thanh vang vọng mà bạn nghe từ đầu sẽ hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, âm thanh khi bạn vỗ tay sẽ trở nên khô, nhưng rõ ràng mà không mất đi sự tự nhiên.

Nếu bạn vẫn nghe thấy âm thanh phản xạ, bạn có thể thêm nhiều vật liệu tán âm hơn cho tới khi đạt được sự hoà hợp giữa âm thanh khô và âm thanh tự nhiên.

Ba mẹo xử lý âm học giá rẻ mà bạn có thể thử

Nếu như việc xử lý âm học nằm ngoài khả năng tài chính hiện tại của bạn, thì dưới đây là ba mẹo mà bạn có thể sử dụng để cải thiện đáng kể âm thanh trong phòng làm nhạc của bạn mà không tốn nhiều chi phí

Close – miking: Giảm thiểu âm thanh phản xạ

Bên trong phòng thu có âm học kém, close – miking là một kỹ thuật mà bạn có thể sử dụng để có thể đạt được âm thanh tốt nhất có thể trong điều kiện không lý tưởng. Bạn sẽ đặt Micro càng gần càng tốt với nhạc cụ hoặc Vocal (mà không làm hỏng âm thanh) …Bạn tăng phần lớn âm lượng của âm thanh trực tiếp, và giảm thiểu tối đa âm thanh phản xạ. Tuy nhiên, bạn tránh đặt vị trí Micro quá gần sẽ làm biến dạng cân bằng tấn số, dẫn tới cộng hưởng ở dải Bass.

Sử dụng Micro Dynamic để giảm thiểu tạp âm trong phòng

Như bạn đã biết, micro Dynamic ít nhạy hơn micro Condenser. Chúng cũng có xu hướng thu lại ít tạp âm trong phòng hơn, điều này tốt trong các phòng có âm học kém. Đó là lý do tại sao, trong các phòng chưa được xử lý âm  học, bạn nên sử dụng micro Dynamic. Tất nhiên, bạn sẽ không có những dải cao rực rỡ như với micro Condenser, tuy nhiên âm thanh của micro Dynamic sẽ tốt hơn nhiều ở trong những phòng này. Còn nếu sử dụng micro Condenser trong phòng âm học kém, nó sẽ thu cả những tạp âm nhỏ nhất trong phòng.

Tự sử dụng các vật liệu có sẵn ở nhà để hấp thụ âm thanh như gối hay chăn

Trong khi các nhà sản xuất vật liệu âm học muốn bạn tin rằng họ cung cấp vật liệu duy nhất để xử lý âm học, điều này thực ra không hẳn là đúng. Bởi vì thực sự, bất kỳ vật liệu xốp mềm nào như gối, chăn, ghế sofa hay thậm chí quần áo đều có thể hấp thụ âm thanh. Do đó, bạn chỉ cần lưu trữ những vật liệu đó trong phòng thu của bạn. Mặc dù trông không chuyên nghiệp một chút nào, nhưng nó giúp đỡ bạn rất nhiều, miễn là bạn xếp chúng càng dày càng tốt, thì các tần số hấp thụ càng đều.

Rủi ro lớn nhất là phương pháp này không chuyên nghiệp và hiệu quả của chúng không được kiểm tra. Do đó, bạn thực sự không biết liệu chúng sẽ làm tình hình trở nên tốt hay tệ đi. Do đó trong trường hợp này, bạn cần sử dụng tai để tự quyết định cho mình.

Tổng kết

Như vậy ở bài viết rất dài này, chúng ta đã hiểu cơ bản về tiêu âm, tán âm và các vật liệu xử lý âm học phòng thu. Rất hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn. Xin chào và hẹn gặp lại

Đánh giá bài viết
Bình luận

Hiển Sàn

About Author

Mình là Đàm Vinh Hiển. Mình là một Producer tự do. Mình từng hợp tác và làm nhạc cho một số nghệ sĩ như ca sĩ Thu Thuỷ, rapper Robber, Winno (Hustlang), nhạc sĩ Phương Duy Anh (sáng tác ca khúc Giả vờ yêu) … Mình cũng từng được duyệt và phát hành một số bản Remix trên các nền tảng như Dzus Records, Hoa hồng dại, Nhaccuatui … Hiện mình cũng đang hợp tác với Song Đạt Media để tuyển dụng các Music Producer làm nhạc và tìm mua các bài nhạc chất lượng để phát hành. Hy vọng với kinh nghiệm của mình có thể giúp đỡ các bạn làm nhạc hay hơn nữa với FL Studio.

Bài viết liên quan

Kiến thức âm nhạc

Đàn Piano – Vua của các loại nhạc cụ

Đàn Piano là một trong những nhạc cụ gần gũi nhất với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Ở
Kiến thức âm nhạc

Guitar và các loại Guitar thông dụng

Guitar là một loại nhạc cụ vô cùng ưa chuộng của Việt Nam và thế giới. Gần như bạn nam
Chat hỗ trợ
Chat ngay