Drum là yếu tố không thể thiếu trong việc làm nhạc. Nhưng những bạn mới học làm nhạc, không phải ai cũng biết về những yếu tố cơ bản để tạo nên Drum và cách soạn chúng. Bài viết này, HocFLStudio.com sẽ hướng dẫn cho bạn cách soạn Drum cơ bản nhé
Ý tưởng và chuẩn bị
Đầu tiên, bạn cần hiểu rằng, việc soạn Drum hay hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào trí tưởng tượng và kỹ năng của bạn. Soạn Drum rất quan trọng, và nó cũng cần rất nhiều sự sáng tạo của một Producer. Ở mức cơ bản đầu tiên này, chúng ta cần có những ý tưởng ban đầu về nhịp là liệu chúng ta sẽ soạn chúng như thế nào. Và chúng ta sẽ sử dụng FL Studio là công cụ để biến ý tưởng thành thành quả.
HocFLStudio.com sẽ cung cấp cho bạn 1 bộ sample rất nhỏ gọn, để bạn tập luyện trước. Bạn có thể tải nó về tại đây.
Soạn Snare
Đầu tiên, chúng ta có thể soạn tiếng Snare trước. Có 2 tiếng bạn cần lưu ý, đó là tiếng Clap và Snare. Clap thực ra là tiếng vỗ tay, nghe sáng hơn. Snare thì nghe chắc và đầm hơn. Ở trong bài hướng dẫn đầu tiên này, chúng ta có thể đặt tiếng Snare nằm chính giữa Bar trong FL Studio, và lặp đi lặp lại. Ví như trong hình, chính giữa Bar 5 và Bar 6, chúng ta đặt tiếng Snare ở đấy. Tương tự lặp lại với các bar 6,7 – bar 7,8 và bar 8,9. Trong trường hợp này, nó lặp đi lặp lại theo 1 quy luật nhất định.
Đây là nhịp Snare mà thường được sử dụng trong các nhịp của dòng nhạc như Trap, Future Bass, RnB, Lofi … Tức là chúng ta hiểu đơn giản là với kiểu nhịp này, tiếng Snare ở chính giữa 2 bar liền nhau, và chỉ có 1 tiếng Snare duy nhất.
Ngoài ra trong nhạc House, nhịp Snare sẽ lại được soạn theo kiểu khác. Phần đấy chúng ta có thể xem Clip ở cuối bài để tham khảo sau.
Soạn Kick
Sau khi soạn Snare xong, chúng ta đã có một nhịp Snare ổn định. Lúc này, chúng ta sẽ tưởng tượng ra trong đầu, tiếng Kick sẽ soạn ở đâu. Một lần nữa, mình lại phải lưu ý với các bạn, là chúng ta nên soạn Drum dựa theo sự tưởng tượng trong đầu của chúng ta trước. Điều ấy rất quan trọng, sẽ giữ được tính sáng tạo và đặc biệt mà chỉ mình bạn có. Mặc dù vậy, bạn vẫn cần trau dồi kiến thức liên tục, để đảm bảo rằng, những thứ bạn đang làm là đúng.
Khác với Snare, Kick sẽ được soạn sáng tạo hơn (trong trường hợp bài hướng dẫn này). Tuy nhiên, nếu như chúng ta soạn nhịp House, thì Kick và Snare sẽ luôn ở những vị trí cố định và đều. Còn ở trong bài hướng dẫn này, chúng ta có thể sáng tạo với tiếng Kick ở những vị trí khác nhau, sao cho phối hợp với tiếng Snare thật hợp lý.
Soạn Hihat
Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ soạn tiếng Hihat. Tiếng Hihat so với Kick và Snare thì nhẹ nhàng hơn rất nhiều, và nó nằm ở giữa Kick và Snare. Hihat đóng vai trò rất quan trọng, giúp người nghe cảm nhận được nhịp và tiết tấu của bài nhạc.
Trong trường hợp của bài này, Hihat cũng được sắp xếp tương đối thoải mái và sáng tạo. Nhịp Hihat trong bài hướng dẫn này, mang hơi hướng của Trap khi có một vài đoạn tăng tốc nhỏ. Bạn lưu ý, bạn vẫn cần phối hợp hài hoà Hihat với Kick và Snare. Việc cảm nhận nhịp thế nào là hợp lý là rất quan trọng.
Hihat thì thường gồm 2 loại, đó là Close Hihat và Open Hihat.
Soạn Percussion
Percussion, hay còn gọi là bộ gõ. Nó là một trong những yếu tố nhỏ, nhưng đóng vai trò quan trọng để tạo điểm nhấn cũng như tạo nên sự “grooving” của bài. Bạn sẽ thêm thật khéo léo, chủ yếu là phối hợp với tiếng Hihat nhé.
Soạn Crash
Tiếng Crash sẽ thường được đặt ở tiếng Kick đầu tiên. Nó báo hiệu cho chúng ta thấy đoạn Drum của chúng ta chính thức được bắt đầu, tạo điểm nhấn đầu tiên cho Drum của chúng ta.
Sửa chữa và sắp xếp lại
Như vậy là chúng ta đã gần hoàn thành việc soạn Drum cơ bản. Lúc này bạn hãy nghe tổng thể cả đoạn Drum. Bạn hãy sắp xếp và sửa lại vị trí của các sound, làm sao để chúng hoà quyện lại với nhau.
Lưu ý quan trọng
Đối với những producer mới bắt đầu làm nhạc, có một lỗi mà rất nhiều bạn gặp, đó là chúng ta sẽ thường cho quá nhiều thứ vào trong bài nhạc. Các bạn cần hiểu rằng, không phải cứ càng có nhiều âm thanh, bài nhạc càng phức tạp thì nó sẽ càng hay. Thực tế là nó là sự cảm nhận, hài hoà. Tương tự ở phần Drum này, bạn hãy cố gắng làm nó thật hài hoà, hợp lý, tránh quá nhiều thứ. Vì chúng ta vẫn còn phải soạn giai điệu hay dành chỗ cho cả Vocal ở những phần tiếp theo nữa nhé.
Tổng kết
Trên đây là hướng dẫn cho bạn cách soạn Drum cơ bản đầu tiên, cụ thể là cách soạn Drum dành cho các thể loại nhạc như Future Bass, Trap, Lofi, RnB … Bạn cần tập luyện nhiều để dần cảm nhận nhiều hơn về nhịp, nhờ đó sẽ soạn được nhiều đoạn Drum hay hơn nữa nhé.