Trong quá trình sản xuất âm nhạc, đặc biệt trong Mixing, các Producer thường sẽ để Bass ở không gian hẹp hoặc thậm chí Mono. Vậy tại sao lại nên để như vậy và mục đích của việc này là gì? Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ bạn nhé.
Đảm bảo sự ổn định khi phát ở các hệ thống loa khác nhau
Tại nhiều hệ thống loa gia đình, hay loa di động hoặc loa bluetooth (những hệ thống loa phổ biến đại trà hiện nay) thường chỉ sử dụng một loa subwoofter duy nhất để tái tạo tần số thấp (Bass). Loa subwoofter là loa thường hoạt động động ở chế độ mono. Như chúng ta đã biết, ở tần số thấp, tai người sẽ thường không nhạy cảm không gian của âm thanh. Do đó khi Bass được Mixing trong dải âm trường (stereo field), nếu bạn để Bass quá rộng, nó có thể sẽ bị mất cân bằng hoặc bị lệch khi phát ở những hệ thống loa ấy. Khi chúng ta Mixing Bass hẹp hoặc giữ nó ở chế độ Mono, năng lượng của Bass sẽ được đồng đều và dễ dàng được tái hiện chính xác trên các hệ thống loa đại trà đến loa studio cao cấp.
Cân bằng trong bản phối
Trong âm nhạc, tai người sẽ rất khó định vị chính xác âm thanh ở tần số thấp, do đó Bass không cần phải đặt ở không gian quá rộng trong âm trường. Ngược lại, khi Bass nghe quá rộng, thường sẽ gây ra cảm giác rời rạc và thiếu cân bằng. Chúng ta nên nhường chỗ ở không gian rộng những âm thanh khác như Synth, Pad, Lead hay Vocal và ở không gian hẹp hay Mono sẽ là Kick và Bass giữ vị trí.
Hạn chế hiện tượng hủy pha (Phase Cancellation)
Hiện tượng hủy pha hay còn gọi là triệt tiêu pha (Phase Cancellation) bị xảy ra khi hai sóng âm có cùng tần số nhưng lệch pha (không đồng bộ về thời gian hoặc vị trí đỉnh và đáy sóng gặp nhau), dẫn đến hai sóng bị triệt tiêu khi đỉnh sóng của một sóng gặp đáy sóng của sóng kia (out of phase), khiến giảm hoặc triệt tiêu hoàn toàn âm thanh ở tần số đó.
Trở lại với Bass, đây là âm thanh có bước sóng dài hơn so với những âm thanh trung hoặc cao. Ví dụ, tần số 50 Hz có bước sóng dài khoảng 6,8m. Điều này làm cho các thay đổi nhỏ trong pha giữa kênh trái và phải dễ gây ra tình trạng lệch pha. Khi bạn để Bass trong âm trường quá rộng, các sóng Bass của kênh trái và phải có thể sẽ không đồng pha và khi hai sóng này gặp nhau trong không gian hoặc khi nghe trên loa Mono, các tần số có thể sẽ bị lệch pha và triệt tiêu nhau, làm mất năng lượng và khiến Bass bị mờ nhạt.
Cách kiểm tra tình trạng bị hủy hay không?
Bây giờ chúng ta sẽ đi vào thực hành, cách để kiểm tra xem âm thanh của bạn có bị hủy pha hay không. Để xác định tình trạng “out of phase” chúng ta sẽ sử dụng VST Ozone Imager. Plugin này có một chức năng rất quan trọng mà ít người biết đến, đó là tính năng “Phase Correlation Meter”. Bạn có thể thấy nó là một thanh dọc có các con số -1, 0 và 1 ở cạnh âm trường
In Phase (cộng hưởng): +1
Khi bạn play bài nhạc ấy lên, nếu tín hiệu ở mức +1, điều đó có nghĩa là âm thanh bạn đang kiểm tra đang cộng hưởng (in phase). Lúc này, các sóng âm thanh từ hai kênh stereo hoặc từ nhiều nguồn khác nhau có pha đồng bộ, chúng chuyển đồng cùng chiều với nhau. Nhờ đó, chúng cộng hưởng và tăng cường cho nhau, dẫn đến âm thanh trở nên lớn và rõ hơn. Điều này rất có lợi khi bạn đang Layer sound.
Một phần Out of phase: 0
Khi tín hiệu âm thanh ở mức 0, bạn cần phải cẩn trọng và kiểm tra lại bài nhạc. Với tình trạng bị triệt tiêu một phần này, rất có thể sẽ xảy ra rủi ro bị hủy pha khi âm thanh được chơi ở chế độ Mono.
Out of phase (lệch pha): -1
Khi tín hiệu âm thanh ở mức -1, tức là lúc này các đỉnh sóng và đáy sóng đã triệt tiêu nhau, gây ra tình trạng giảm âm lượng hoặc thậm chí mất hẳn âm thanh khi chuyển sang Mono.
Tổng kết
Như vậy, trong bài viết này, chúng ta đã cùng hiểu hơn về việc tại sao các Producer thường khuyên chúng ta nên để Bass ở không gian hẹp hoặc Mono và nó có vai trò như thế nào khi phát ra các hệ thống loa ngoài. Rất hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn, xin chào và hẹn gặp lại.