Mixing cơ bản

Plugin Hiệu Ứng Âm Thanh – Audio FX Plugins (Phần 1)

Nếu bạn đã từng thử sử dụng qua một phần mềm làm nhạc (DAW) nào, nếu bạn giống như mình thì thời gian đầu tiên sẽ thấy thực sự ngợp bởi vô vàn các Plugin hiệu ứng âm thanh (audio FX plugins) khác nhau đi kèm sẵn theo DAW và mất phương hướng do bạn không nắm được rõ chức năng của từng loại Plugin ấy là gì.

Nguồn: bloglamnhac.com

Việc hiểu được rõ mục đích và cơ chế hoạt động của từng loại Plugin là hành trang vô cùng quan trọng đối với một producer toàn diện bởi lẽ sử dụng audio FX plugin là việc tất yếu trong công đoạn hoà thanh phối khí cũng như mixing & mastering. Bài viết này hi vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về từng loại Audio FX Plugin cũng như mục đích sử dụng chúng trong sản xuất âm nhạc.

Plugin là gì ?

Plugin trong tiếng Anh có nghĩa là cắm vào hoặc ghim vào. Trong ngữ cảnh phần mềm làm nhạc thì Plugin là các phần mềm bổ trợ, có thể được tích hợp sẵn kèm theo DAW hoặc được phát triển bởi các bên thứ ba, để mở rộng tính năng của DAW. Plugin được chia làm 3 nhóm chính:

  1. Nhạc cụ giả lập (hay còn gọi là hộp tiếng hay VST): Đây là các phần mềm phát ra âm thanh (ví dụ đàn Piano giả lập, kèn saxophone giả lập, synthesizer)
  2. Kỹ xảo âm thanh (Audio FX): đây là các phần mềm nhận đầu vào là 1 file âm thanh có sẵn và thay đổi tính chất âm thanh của nó theo 1 cách nào đó.
  3. Kỹ xảo MIDI (MIDI FX): đây là các phần mềm nhận đầu vào là 1 file MIDI có sẵn và thay đổi thông tin MIDI theo 1 cách nào đó.

Sêri bài viết này sẽ chỉ tập trung vào nhóm số 2: Audio FX Plugins

Các loại Audio FX Plugin

Các Audio FX Plugin được phân chia ra thành 5 nhóm chức năng cơ bản:

  1. EQ & Panning
  2. Time-based FX (các hiệu ứng chỉnh sửa tính chất thời gian của âm thanh): bao gồm Reverb, Echo, Delay
  3. Dynamic FX (các hiệu ứng chỉnh sửa tính chất liên quan đến độ to nhỏ của âm thanh): bao gồm Compressor và Distortion
  4. Modulation FX (các hiệu ứng làm méo tiếng bằng cách uốn cao độ của âm thanh): bao gồm Chorus, Flanger, Phaser và Tremolo
  5. Filter (các bộ lọc)

1. Equalizer

Equalizer (hay còn gọi tắt là EQ) là công cụ giúp chúng ta cắt bớt hoặc tăng cường âm lượng của 1 tần số hay 1 dải tần cụ thể trong khoảng tần số âm thanh mà tai người nghe được, từ 20 Hz đến 20,000 Hz.

Các thiết bị Equalizer vật lý truyền thống thường sẽ chia khoảng tần số 20 Hz – 20,000 Hz này thành một số lượng hữu hạn các dải tần nhỏ hơn (gọi là band) và gắn với mỗi dải tần đó 1 bộ chiết áp (fader) hay núm vặn (knob) để người dùng có thể chỉnh âm lượng của từng dải tần đó.

Equalizer phiên bản phần mềm Plugin trong DAW thường có giao diện hiển thị một cách trực quan cho người dùng thấy vị trí của các dải tần đang được cắt bớt hoặc tăng cường (frequency), độ hẹp hay rộng của dài tần được chỉnh sửa (hay được gọi là Q-value) cũng như mức độ cắt hoặc tăng cường nhiều hay ít (gain)

EQ là công cụ rất hữu ích trong thiết kế âm thanh (Sound Design) và quan trọng bậc nhất trong công đoạn Mixing. Trong việc thiết kế âm thanh, EQ có thể so sánh như việc tạc tượng vậy: khoét bớt ở chỗ này, đắp thêm vào chỗ kia để tạo ra hình hài (ở đây là màu sắc âm thanh) mà mình mong muốn. Ví dụ cắt bớt đi các dải tần cao thường sẽ làm cho âm thanh có màu u tối hơn và ngược lại, tăng cường các dải tần cao sẽ làm âm thanh trở nên sáng hơn. Trong Mixing, EQ thường được dùng để cắt bớt những dải tần không quan trọng của từng track để tạo ra đủ không gian âm thanh để tất cả các nhạc cụ có thể hoà quyện vào nhau mà vẫn đảm bảo không có nhạc cụ nào bị quá lu mờ.

2. Panning

Panning là điều chỉnh vị trí của âm thanh trong không gian môi trường Stereo. Việc này thực chất là điều chỉnh tương quan âm lượng của một âm thanh giữa 2 nguồn phát trong môi trường Stereo. Trong môi trường Stereo, việc có 2 nguồn phát âm thanh giúp cho chúng ta cảm nhận được tính không gian 3 chiều của âm thanh. Ví dụ nếu một âm thanh được panning ở chính giữa, tức âm lượng của của 2 nguồn phát bằng nhau, ta có cảm giác âm thanh đó phát ra từ ngay trước mặt chúng ta. Mặt khác, nếu âm thanh được panning lệch phải, tức âm lượng từ nguồn phát bên phải lớn hơn bên trái, ta có cảm giác âm thanh đang phát ra từ đâu đó phía bên phải hơn là ở ngay trước mặt.

Trong các DAW, đa phần mỗi track tạo ra sẽ thường có sẵn 1 núm vặn panning để chúng ta có thể tuỳ chỉnh vị trí trong không gian stereo của track đó.

Ngoài ra đa số các DAW cũng sẽ có plugin Auto-Pan: chức năng của plugin này là tự động hoá việc panning ví dụ như panning một nhạc cụ nào đó liên tục qua lại giữa 2 bên trái và phải theo 1 tần suất nào đó. Việc này sẽ tạo ra cảm giác âm thanh của nhạc cụ đó đang chạy từ tai trái qua tai phải của bạn vậy, một hiệu ứng rất thú vị để tạo ra cảm giác không gian âm thanh rộng lớn hơn.

Panning là một kĩ thuật rất quan trọng trong công đoạn mixing. Nó giúp chúng ta sắp xếp vị trí trong không gian stereo của các track để làm nổi bật lên track giai điệu chính (vocal hoặc nhạc cụ solo) và cung cấp cho mỗi nhạc cụ đủ không gian riêng và không bị ‘dẫm lên nhau’.

Ví dụ, thông thường trong các ca khúc, track giai điệu chính (vocal hoặc nhạc cụ solo) cần sự nổi bật sẽ được panning ở chính giữa. Các nhạc cụ ở âm vực thấp như bass hay trống kick cũng sẽ thường được panning chính giữa. Các nhạc cụ như keyboard hay guitar nếu chơi cùng trong 1 âm vực thường sẽ được panning lệch sang 2 bên, ví dụ keyboard lệch phải và guitar lệch trái. Các tiếng trống ở âm vực trung và cao như snare, hi-hat tương tự cũng sẽ thường được panning lệch sang 2 bên để tạo ra cảm giác không gian âm thanh rộng.

3. Compressor

Compressor, hay còn gọi là nén tiếng hay gọi tắt là comp, là 1 loại plugin hiệu ứng âm thanh thuộc nhóm Dynamic FX (các hiệu ứng âm thanh liên quan đến điều chỉnh âm lượng). Chức năng của Compressor là làm giảm dynamic range – là sự chênh lệch giữa điểm có âm lượng to nhất và nhỏ nhất trong 1 audio track.

Cơ chế hoạt động của Compressor như sau:

  • Mỗi khi âm lượng của input vượt quá một ngưỡng nào đó (Threshold), compressor sẽ được kích hoạt nén âm lượng xuống gần mức ngưỡng Threshold nhất có thể. Mức độ mạnh của việc nén này được thể hiện bởi thông số Ratio. Ví dụ với Ratio 10:1 thì có nghĩa là cứ 10 phần vượt quá ngưỡng sau khi nén sẽ chỉ còn 1 phần vượt ngưỡng (giả dụ input của bạn vượt quá ngưỡng 10dB thì khi chạy qua compressor sẽ chỉ còn vượt 1dB).
  • Ngoài ra, các compressor thường còn tuỳ chỉnh được Attack – độ nhanh chậm của compressor khi bắt đầu nén – và Release – độ nhanh chậm của compressor khi nhả ra. Tuỳ thuộc vào tính chất của âm thanh input và mục đích thiết kế âm thanh chúng ta sẽ tuỳ chỉnh các thông số này cho phù hợp. Ví dụ khi nén tiếng kick trống để làm nó nghe chắc nịch hơn, người ta thường dùng độ attack chậm và release nhanh để bảo toàn phần transient (phần tăng âm lượng đột ngột trong sóng âm thanh của tiếng trống kick) và nén bớt phần đuôi (tail) của sóng âm.
  • Cuối cùng, compressor có thể tuỳ chỉnh Makeup Gain – tăng bù lại âm lượng bị giảm từ việc nén tiếng. Đây chính là mấu chốt của chức năng làm giảm dynamic range của compressor: sau khi nén (tức ‘kéo’ trần xuống) thì bạn ‘nâng’ sàn lên bằng Makeup Gain.

Compressor là 1 công cụ cũng cực kì quan trọng trong cả thiết kế âm thanh lẫn mixing & mastering. Nó giúp chúng ta có thể làm tăng độ to cảm nhận được (Perceived Loudness) mà không làm tăng âm lượng trần (Peak Volume) của âm thanh. Ví dụ giữa 2 sóng âm thanh có cùng âm lượng trần, âm thanh có dynamic range (khoảng cách từ âm lượng trần đến âm lượng đáy) nhỏ hơn sẽ có cảm giác to hơn với tai nghe chúng ta.

Một vài ví dụ ứng dụng compressor trong thiết kế âm thanh là làm săn chắc tiếng trống hay làm tăng độ ngân (sustain) của các nốt guitar bass.

Trong công đoạn mixing & mastering, compressor được dùng để hãm âm lượng của các trường đoạn to lên một cách quá đột ngột. Việc này sẽ giúp các track có sự kết dính, hoà quyện với nhau nhiều hơn.

4. Limiter

Về cơ bản, Limiter có thể hiểu là một chiếc compressor với Ratio gần như là ∞ : 1. Nếu ví compressor như một chiếc màng cao su, âm thanh input vượt quá ngưỡng 1 chút rồi bị kéo về, thì limiter sẽ giống như một bức tường gạch: âm thanh input sẽ bị chặn đứng ở mức ngưỡng luôn vậy.

5. Distortion

Distortion là sự làm méo, vỡ tiếng một cách có chủ đích. Hiện tượng này xảy ra khi input gain vượt quá ngưỡng cho phép của thiết bị xử lý âm thanh, thiết bị xử lý sẽ cắt bỏ (clipping) phần sóng âm thanh vượt ngưỡng và làm thay đổi hình dạng sóng âm thanh của input.

Việc làm thay đổi hình dạng sóng âm thanh này sẽ tạo ra hiệu ứng vỡ tiếng, ‘rè’ tiếng. Trong mixing thì đây là một hiện tượng không mong muốn và cần tránh. Tuy nhiên nó lại được sử dụng rất nhiều với vai trò một công cụ thiết kế âm thanh (sound design). Bắt đầu từ những năm 50 các nghệ sĩ dòng nhạc Blues đã sử dụng hiệu ứng này trên đàn guitar để tạo ra 1 thứ tiếng guitar đầy gai góc và hoang dã và từ đó trở đi Distortion đã trở thành một hiệu ứng được sử dụng rất nhiều trong các dòng nhạc như Blues, Rock, Heavy Metal hay gần đây hơn là cả trong Hip-hop.

Distortion có là một hiệu ứng đa năng. Nó có thể được dùng rất mạnh tay để tạo ra âm thanh gào rú cho đàn electric guitar như trong dòng nhạc Heavy Metal hay có thể sử dụng một cách vừa phải, tinh tế để thêm độ ấm của thiết bị analog hay khoác lên âm thanh gốc như tiếng trống Kick hay Vocal một lớp áo hơi góc cạnh, cá tính hơn một chút trong dòng nhạc Hip-hop.

Ngoài ra tương đồng với hiệu ứng Distortion còn có Overdrive và Fuzz cũng là những effect được sử dụng rất nhiều trên guitar điện mà bài viết này có lẽ sẽ không thể đào sâu được

Lời kết

Trong bài viết này mình đã giới thiệu các Plugin hiệu ứng âm thanh (Audio effects Plugins) thuộc nhóm EQ & Panning và Dynamic FX (Compressor, Limiter và Distortion). Trong phần 2 của sêri này mình sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về 3 nhóm còn lại: Time-based Effects, Modulation Effects và Filters

Nguồn: bloglamnhac.com

Đánh giá bài viết
Bình luận

Hiển Sàn

About Author

Mình là Đàm Vinh Hiển. Mình là một Producer tự do. Mình từng hợp tác và làm nhạc cho một số nghệ sĩ như ca sĩ Thu Thuỷ, rapper Robber, Winno (Hustlang), nhạc sĩ Phương Duy Anh (sáng tác ca khúc Giả vờ yêu) … Mình cũng từng được duyệt và phát hành một số bản Remix trên các nền tảng như Dzus Records, Hoa hồng dại, Nhaccuatui … Hiện mình cũng đang hợp tác với Song Đạt Media để tuyển dụng các Music Producer làm nhạc và tìm mua các bài nhạc chất lượng để phát hành. Hy vọng với kinh nghiệm của mình có thể giúp đỡ các bạn làm nhạc hay hơn nữa với FL Studio.

Bài viết liên quan

Mixing cơ bản

Giới thiệu âm Mid, âm Treble

Mặc dù âm bass có vai trò quan trọng trong chất lượng âm thanh nhưng chỉ có mình nó thì
Mixing cơ bản

EQ là gì?

EQ trong âm nhạc hiểu đơn giản là thiết bị giúp thay đổi âm sắc của âm thanh, bằng cách
Chat hỗ trợ
Chat ngay