Mixing cơ bản

Plugin Hiệu Ứng Âm Thanh – Audio FX Plugins (Phần 2)

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tiếp tục khám phá các Plugins thuộc các nhóm còn lại nhé ! Bao gồm: Time-based FX (bao gồm Delay, Echo và Reverb), Modulation FX (bao gồm Chorus, Flanger, Tremolo và Phaser) và Filter

Nguồn: bloglamnhac.com

Filter

Filter là công cụ để chúng ta có thể cắt bớt âm lượng dải tần nào đó trong 1 âm thanh. Về bản chất nó khá giống với công năng của Equalizer.

Filter có 3 loại chính:

  1. Low-pass Filter (LP): Đúng như cái tên của nó, các Low-pass filter sẽ chỉ cho phép dải tần dưới 1 tần số cụ thể nào đó đi qua (tần số này có thể tuỳ chỉnh được – gọi là Cutoff Frequency), còn lại tất cả phần dải tần ở trên tần số này sẽ bị cắt bỏ. Tuy nhiên việc cắt bỏ này sẽ không diễn ra 1 cách đột ngột: nghĩa là giả sử bạn đặt mức tần số cắt bỏ tại 500Hz thì kể từ 500Hz trở lên cao, các tần số sẽ được cắt bỏ với cường độ tăng dần. Slope là thông số quyết định mức độ tăng nhanh hay chậm của cường độ cắt bỏ này, được thể hiện bằng độ ‘dốc’ của đồ thị của filter. Slope thường được cho phép chọn giữa 2 giá trị 12dB và 24dB.
  2. High-pass Filter (HP): ngược lại với Low-pass filter, các high-pass filter sẽ chỉ cho phép dải tần trên 1 tần số cụ thể đi qua.
  3. Band-pass Filter(BP): sự kết hợp giữa LP và HP Filter, dùng khi bạn muốn ‘gọt’ bớt cả dài tần trên lẫn dưới để giữa lại phần tần số ở giữa.

Ngoài Cutoff Frequency ra các Filter còn có thể pho phép tuỳ chỉnh các thông số như:

  • Resonance – một số Plugin Filter sẽ cho phép người sử dụng tăng âm lượng của 1 phạm vi nhỏ dải tần bao quanh tần số Cutoff Frequency, được thể hiện trong đồ thị Filter bởi 1 ngọn đỉnh (peak) nhú lên tại Cutoff Frequency rồi sau đó lao dốc. Việc này chủ yếu được thực hiện với mục đích tạo màu sắc mang phong cách hơi futuristic, sci-fi cho âm thanh.
  • Modulation: cho phép người sử dụng dao động tần số Cutoff Frequency bằng các LFO – Low Frequency Oscillator (mạch dao động tần số thấp). Việc dao động cutoff frequency tạo ra hiệu ứng wobble được sử dụng rất nhiều trong dòng nhạc future bass.

Delay, Echo & Reverb

Delay, Echo & Reverb là 3 loại effects chính trong nhóm Time-based FX – dịch nôm na nghĩa là các hiệu ứng làm thay đổi tính chất về thời gian của âm thanh. 3 loại effect này hay bị gộp chung với nhau vào một khái niệm. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì chúng có quan hệ rất mật thiết với nhau, tuy nhiên chúng ta cũng cần hiểu rõ những sự khác biệt cơ bản để có thể sử dụng chúng một cách có mục đích và hiệu quả trong làm nhạc.

Delay là hiệu ứng phát lặp lại âm thanh gốc 1 hoặc nhiều lần nữa sau 1 khoảng thời gian nhất định (thường tính bằng mili giây). Mỗi DAW thường đều đi kèm Plugin hiệu ứng Delay sẵn có và trong đa phần các Plugin Delay này người dùng có thể tuỳ chỉnh được được các thông số chính sau: Thời gian Delay (Delay Time) – đây là khoảng thời gian giữa các lần phát lại âm thanh gốc, có thể được tính bằng mili giây (ms) hoặc độ dài của nốt nhạc. Ví dụ nếu Delay time là 50ms nghĩa là âm thanh gốc sau khi vang lên 50ms thì sẽ được phát lặp lại. Mặc khác nếu Delay time là 1 nốt đen (quarter note) thì âm thanh gốc sau khi vang lên được khoảng thời gian bằng một nốt đen chiếu theo nhịp (meter, ví dụ 4/4) và Tempo hiện tại thì sẽ được phát lặp lại.

Một số thông số khác thường tuỷ chỉnh được trên 1 plugin Delay là:

  • Feedback – thông số này quyết định bao nhiêu phần trăm lượng tín hiệu đầu ra của Plugin sẽ được bơm ngược lại vào làm input. Hiểu nôm na là khi Feedback ở 0% thì âm thanh gốc sẽ chỉ được lặp lại 1 lần duy nhất, và càng tăng Feedback lên thì số lượng lần phát lặp lại sẽ càng nhiều hơn.
  • Filter – bộ lọc Low-pass, High-pass hoặc Band-pass cho tín hiệu delay. Tham khảo thêm mục Filter trong bài viết này
  • Modulation – đa số các Plugin sẽ cho phép điều biến biên độ của Delay Time và tần số của Filter bằng các LFO – Low Frequency Oscillator (dao động tần số thấp). Ví dụ khi bạn cho Delay time dao động với tần số thấp sẽ tạo ra hiệu ứng làm méo cao độ của âm thanh và đây chính là nền tảng của hiệu ứng Chorus sẽ được đề cập tới trong phần sau của bài viết.
  • Ping Pong mode: khi chế độ Ping Pong được kích hoạt, các tín hiệu phát lại sẽ luân phiên giữa 2 nguồn phát L và R trong môi trường Stereo.

Echo là một dạng Delay nhằm mô phỏng hiện tượng vọng trong tự nhiên: nghĩa là sau khi âm thanh gốc được phát ra thì chúng ta sẽ nghe thấy các bản sao của âm thanh này với cường độ nhỏ dần cho tới khi tắt hẳn, giống như khi bạn gào thật to trong 1 cái hang vậy – sẽ nghe thấy giọng mình được vọng lại một vài lần.

Do Echo là một dạng Delay nên các thông số chính của hiệu ứng này trong đa số trường hợp sẽ tương tự như Delay. Về cơ bản, bất cứ Delay nào có Feedback > 0% sẽ trở thành 1 Echo: 1 âm thanh gốc phát ra sau đó các âm thanh phản dội lại sẽ nhỏ dần rồi tắt hẳn.

Reverb (viết tắt của Reverberation) là hiệu ứng mô phỏng âm vang của âm thanh trong 1 không gian cụ thể nào đó. Cùng một âm thanh nhưng khi phát ra ở trong phòng ngủ của bạn so với phát ra ở trong đại sảnh của một thánh đường lớn sẽ rất khác nhau. Điều này là bởi vì âm thanh gốc sẽ được phản dội lại từ các bề mặt cũng như đồ vật trong không gian và sẽ quay lại tai người nghe ở các thời điểm khác nhau. Các âm thanh dội lại này tạo thành ‘đuôi’ Reverb (Reverb tail) và tạo cho người nghe cảm nhận về độ lớn của không gian.

Tính chất âm thanh của Reverb tail được quyết định bởi nhiều yếu tố: kích thước không gian, hình dạng của không gian, cấu trúc bề mặt cũng như vật liệu làm nên các bức tường, trần, sàn, và các đồ vật khác trong không gian. Ví dụ trong một thánh đường lớn thì âm thanh vang lên sẽ tạo nên một đuôi reverb dài vang vọng, cho người nghe cảm nhận về một không gian rất lớn rộng. Ngược lại trong một không gian nhỏ như phòng ngủ, đuôi reverb ngắn vào tạo cho người nghe cảm giác không gian nhỏ và cảm giác ở rất gần nguồn phát âm thanh.

Điểm khác biệt mấu chốt giữa Echo và Reverb có thể hiểu như sau: Reverb là một tổ hợp rất nhiều các Echo với delay time khác nhau được chồng chéo lên nhau và thời gian delay giữa các âm vọng lại thường rất ngắn, tạo thành một phần đuôi reverb liền mạch với tai người nghe thay vì là các âm vọng ngắt quãng tách biệt rõ ràng như với Echo.

Các thông số thông dụng có thể tuỳ chỉnh được trong 1 plugin Reverb bao gồm:

  • Size (hay còn có nơi gọi là Depth hoặc Room Size): quyết định kích thước của không gian mà plugin đang mô phỏng.
  • Decay (hay còn có nơi gọi là Reverb time): quyết định sau bao lâu thì phần đuôi reverb sẽ tắt hẳn.
  • Pre-delay: khoảng thời gian từ lúc âm thanh gốc vang lên đến lúc những âm phản dội đầu tiên vang lên.
  • Early Reflections: những âm phản dội đầu tiên tới tai người nghe được gọi là Early Reflections và 1 số Plugin Reverb sẽ cho phép tuỳ chỉnh một số thông số liên quan đến Early Reflections như độ to của các âm early reflections, dao động biên độ (modulation) để tạo ra hiệu ứng Chorus hoặc điều chỉnh độ tách biệt giữa các âm early reflections so với âm thanh gốc và các âm dội về sau (diffusion)
  • Diffusion: trong môi trường thật các âm Early Reflections sẽ tiếp tục được phản dội lại từ các bề mặt tạo thành vô số âm phân dội với cường độ yếu dần, được gọi là Diffusion. Về cơ bản Diffusion là phần đuôi nhỏ dần của reverb. Các plugin Reverb sẽ thường cho tuỳ chỉnh 1 vài thông số liên quan đến diffusion như dao động biên độ (modulation) để tạo hiệu ứng chorus, áp dụng các filter low-pass hoặc high-pass đối với âm diffusion, độ to của âm diffusion.

Chorus, Flanger, Phaser & Tremolo

Chorus, Flanger, Phaser hay Tremolo đều là những loại hiệu ứng thuộc nhóm modulation (dao động biên độ) được sử dụng rất nhiều trong thiết kế âm thanh (sound design). Các anh em chơi guitar trong band nhạc có lẽ sẽ rất quen thuộc với những hiệu ứng này dưới dạng các guitar FX pedal. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của các hiệu ứng này nhé.

Chorus

Chorus, đúng với cái tên của nó, là hiệu ứng nhằm mô phỏng hiện tượng hát đồng ca hay hợp xướng trong đời thực. Khi 1 dàn đồng ca vang lên, tất cả các ca sĩ đều đang hát cùng một cao độ và lời hát, tuy nhiên trên thực tế sẽ luôn có người hát vào sớm người vào muộn (tuy rằng độ chênh lệch rất nhỏ) và cao độ giữa các ca sĩ cũng sẽ có sự chênh nhau nhỏ nhất định. Tất cả những sự chênh lệch nhỏ này về thời gian cũng như cao độ này kết hợp vào tao thành hiệu ứng Chorus.

Các plugin Chorus mô phỏng hiệu ứng này bằng cách tạo ra 1 hoặc nhiều bản sao copy của âm thanh gốc, delay các bản sao này đi so với âm thanh gốc (thường từ 20ms đến 50ms) và dao động cao độ (pitch modulation) của các bản sao này. Các thông số có thể tuỳ chỉnh được trên 1 plugin Chorus thường là:

  • Thời gian delay của các bản sao copy
  • Tốc độ dao động của cao độ (tính bằng Hz)
  • Cường độ dao động của cao độ.

Hiệu ứng Chorus thường được sử dụng để tạo ra độ dày cho một âm thanh hoặc nhạc cụ hoặc cũng có thể dùng để tăng độ rộng trong không gian stereo (stereo width) của nhạc cụ do tác dụng tạo cảm giác nhiều bản sao của nhạc cụ đó đang vang lên cùng 1 lúc.

Flanger

Hiệu ứng Flanger có một vài điểm tương đồng với Chorus ở chỗ: nó cũng tạo ra 1 bản sao copy của âm thanh gốc và delay bản sao này so với âm thanh gốc. Điểm khác biệt nằm ở chỗ thời gian delay ở Flanger thường nhỏ hơn Chorus rất nhiều, thường dưới 15ms. Hiệu ứng flanger sẽ dao động thời gian Delay của bản sao và ngoài ra sẽ cho phép tạo ra vòng lặp feedback, nghĩa là bơm tín hiệu đầu ra (output) ngược lại vào input để khuếch đại hiệu ứng flanger.

Âm thanh đặc trưng của hiệu ứng flanger có thể mô tả bằng các từ ngữ như ‘xoáy’ (swirling) ‘kim loại’ (metallic) hay có 1 số người mô tả nó nghe giống động cơ phản lực (jet plane :v). Tuy nhiên cách tốt nhất để nhận ra sẽ là nghe ví dụ của hiệu ứng này trong các ca khúc kinh điển.

Phaser

Phaser là hiệu ứng khá giống với Flanger ở chỗ chúng đều tạo ra một âm thanh ‘xoáy’ quét qua quét lại trên dải tần. Tuy nhiên nếu hiệu ứng Flanger hoạt động dựa trên việc dao động thời gian delay của bản sao copy thì Phaser hoạt động dựa trên việc dịch chuyển pha (phase shifting) của bản sao copy. Mình không muốn đào quá sâu vào chi tiết về mặt lý thuyết kỹ thuật nên trong phạm vi bài viết này bạn có thể hiểu đơn giản Phaser là một phiên bản ‘mềm mại’ và dịu dàng hơn của Flanger.

Tremolo

Tremolo là hiệu ứng dao động cường độ (Amplitude) âm lượng của âm thanh bằng các LFO (Low Frequency Oscillator – dao động tần số thấp), tạo nên hiệu ứng âm thanh ‘run run’, chìm nổi liên tục giống như đang ở dưới nước vậy.

Trong các DAW bạn có thể tạo ra hiệu ứng Tremolo đơn giản bằng cách tự động hoá (automate) âm lượng của âm thanh bằng 1 LFO. Một số DAW cũng sẽ có các plugin dành riêng cho hiệu ứng Tremolo mà có thể tuỳ chỉnh 1 số thông số như:

  • Rate: tốc độ dao động của âm lượng
  • Depth: biên độ dao động của âm lượng
  • Shape: hình dạng của sóng dao động (sóng sine, sóng square hay sóng saw-tooth)

Lời Kết

Vậy là trong bài viết này chúng ta đã cùng tìm hiểu các hiệu ứng âm thanh thuộc nhóm bộ lọc (Filters), Time-based FX (bao gồm Delay, Echo và Reverb), nhóm Modulation (bao gồm Chorus, Flanger, Phaser và Tremolo). Hi vọng qua bài viết này các bạn đã có cái nhìn chi tiết và toàn diện hơn về các loại hiệu ứng rất phổ biến trong âm nhạc này và có thể bắt đầu thử nghiên cứu áp dụng các hiệu ứng này vào trong việc làm nhạc của bản thân.

Nguồn: bloglamnhac.com

Đánh giá bài viết
Bình luận

Hiển Sàn

About Author

Mình là Đàm Vinh Hiển. Mình là một Producer tự do. Mình từng hợp tác và làm nhạc cho một số nghệ sĩ như ca sĩ Thu Thuỷ, rapper Robber, Winno (Hustlang), nhạc sĩ Phương Duy Anh (sáng tác ca khúc Giả vờ yêu) … Mình cũng từng được duyệt và phát hành một số bản Remix trên các nền tảng như Dzus Records, Hoa hồng dại, Nhaccuatui … Hiện mình cũng đang hợp tác với Song Đạt Media để tuyển dụng các Music Producer làm nhạc và tìm mua các bài nhạc chất lượng để phát hành. Hy vọng với kinh nghiệm của mình có thể giúp đỡ các bạn làm nhạc hay hơn nữa với FL Studio.

Bài viết liên quan

Mixing cơ bản

Giới thiệu âm Mid, âm Treble

Mặc dù âm bass có vai trò quan trọng trong chất lượng âm thanh nhưng chỉ có mình nó thì
Mixing cơ bản

EQ là gì?

EQ trong âm nhạc hiểu đơn giản là thiết bị giúp thay đổi âm sắc của âm thanh, bằng cách
Chat hỗ trợ
Chat ngay