Qin RV là một trong những VST nhạc cụ dân tộc chất lượng nhất và được ưa chuộng nhất đối với các producer hiện nay. Việc sử dụng Qin RV không quá khó nhưng không phải ai cũng biết sử dụng ngay lần đầu. Ở bài viết này, hãy cùng HocFLStudio.com cùng tìm hiểu nhé
Qin RV là VST gì?
Qin RV do hãng VST Kong Audio sản xuất, là một những VST nhạc cụ dân tộc hàng đầu hiện nay. VST này bao gồm hầu hết tất cả các nhạc cụ dân tộc của Trung Quốc phổ biến nhất như đàn tranh, đàn nhị, sáo … Có rất nhiều các Producer nổi tiếng ở Việt Nam cũng từng sử dụng VST này như Masew, KICM … Mặc dù vậy, VST này sẽ khó có thể so sánh với nhạc cụ thật.
Download dùng thử Qin RV
Bạn có thể download dùng thử Qin RV tại đường link này: https://www.chineekong.com/freebies.htm
Trong phiên bản miễn phí này, bạn sẽ được dùng thử Đàn tranh, tiếng sáo và tiếng đàn nhị.
Cách Load nhạc cụ trong Qin RV Full
Mặc dù là một VST rất nổi tiếng, nhưng Qin RV có giao diện được đánh giá khá khác lạ và không quá thân thiết với người dùng mới. Cụ thể, khi cài đặt thành công Qin RV, bạn sẽ thấy giao diện mặc định như sau:
Giờ để lựa chọn nhạc cụ, bạn sẽ ấn chọn Browser, một bảng các nhạc cụ được hiện lên:
Một list các nhạc cụ được hiện ra, một lát nữa chúng tôi sẽ giới thiệu từng nhạc cụ bằng Tiếng Việt để bạn lựa chọn dễ dàng hơn. Bạn chọn nhạc cụ bạn muốn và bấm Load
Khi nhạc cụ được Load, nó sẽ hiện ở cột bên trái
Để có thể sử dụng được các nhạc cụ được Load này, bạn chỉ cần nháy đúp vào nhạc cụ bạn muốn lựa chọn ở cột trái, nhạc cụ được chọn sẽ hiện ở màn hình giữa
Nhưng ngay cả khi đã Load nhạc cụ ra thành công, bạn cũng vẫn chưa nghe được âm thanh, bạn sẽ phải lựa chọn preset của nhạc cụ ấy bằng cách ấn chọn “No Preset Loaded”. Có rất nhiều kiểu đánh khác nhau ứng với mỗi nhạc cụ. Để đạt được hiệu quả cao nhất, bạn sẽ cần layer với các preset khác nhau của nhạc cụ ấy hoặc automation Module.
Pitch Bend và Module
Để nhạc cụ dân tộc được tái hiện một cách chân thực nhất, chắc chắn sẽ không thể thiếu các kỹ thuật đặc biệt và cả pitch bend. Tuỳ từng preset sẽ có các kiểu kỹ thuật riêng khác nhau, bạn có thể automation nút Mod (Module) ở cạnh bên trái bàn phím Midi Keyboard để lựa chọn. Lưu ý là tuỳ từng sound là có các kiểu kỹ thuật khác nhau, và có sound thì không có kỹ thuật đặc biệt nào khi tuỳ chỉnh Mod.
Núm vặn Pitch Bend cũng rất quan trọng giúp bạn tạo kỹ thuật luyến rất đặc trưng trong nhạc cụ dân tộc.
Cần học về thang âm ngũ cung
Nhạc cụ dân tộc đặc trưng nhất chính là thang âm ngũ cung (C – D – F – G – A) hay còn gọi là Pentatonic. Để soạn được những giai điệu hợp nhất với nhạc cụ dân tộc, bạn sẽ cần am hiểu và sử dụng thành thục thang âm ngũ cung này. Nói một chút về ngũ cung, thì tư duy âm nhạc của người Trung Quốc và Việt Nam chúng ta trước đây đã nhận thấy giai điệu sẽ trở nên hài hoà hơn. Ngũ cung đại diện cho bàn tay có 5 ngón, cơ thể con người có ngũ tạng (tim, gan, phổi, thận, tỳ), ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ), ngũ cảm (bi, hỉ, nộ, ái, ố) …
Tổng hợp các nhạc cụ dân tộc trong Qin RV
Bây giờ, chúng ta sẽ liệt kê các nhạc cụ dân tộc có trong Qin RV để các bạn dễ dàng sử dụng hơn.
Chinee Banhu – Hồ cầm
Hồ cầm, đàn nhị hay còn gọi là bàn hồ. Là một nhạc cụ dây truyền thống của Trung Quốc, được sử dụng chủ yếu ở miền bắc Trung Quốc. “Ban” có nghĩa là một mảnh gỗ, “hu” viết tắt của hồ cầm, có nghĩa là đàn của người Hồ. Ban đầu, nó là loại đàn của người du mục, được dùng trong sinh hoạt văn nghệ dân gian hay trong các lễ tế.
Chinee Bawu – Sáo mèo
Sáo mèo Trung Quốc có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam, là một nhạc cụ dân tộc phổ biến của Trung Quốc.
Chinee Erhu – Đàn nhị hồ
Tương tự như hồ cầm, đây là một loại đàn nhị. Đây là nhạc cụ dân tộc không những phổ biến ở Trung Quốc mà còn phổ biến ở Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan … Ở Việt Nam, ngoài tên gọi đàn nhị, nhiều nơi còn gọi đàn này là líu, nhị líu, cò ke, đờn cò.
Chinee Gaohu – Cao hồ
Còn gọi là Việt hồ, là một loại đàn nhị của người Quảng Đông. Nó được phát triển từ đàn nhị huyền vào những năm 1920 bởi nhạc sĩ và nhà soạn nhạc Lã Văn Thành và được sử dụng rộng rãi trong âm nhạc của người Quảng Đông.
Chinee Guanzi – Kèn Quản
Là loại kèn dăm nứa thổi dọc. Ống bằng nứa to cỡ ngón tay, dài khoảng 20 – 30 cm. Kèn quản phát triển vào thời nhà Đường và trở thành nhạc cụ lãnh đạo quan trọng trong nhạc cung đình và nhạc lễ. Hiện nay, kèn quản được sử dụng trong âm nhạc dân tộc, dàn nhạc hơi miền Bắc Trung Quốc. Ở Nhật Bản, nó được du nhập và có tên gọi là kèn hichiriki.
Chinee GuQin – Cổ cầm
Là một nhạc cụ gồm 7 dây của Trung Quốc, có dạng gẩy. Đây là một loại đàn rất được ưa chuộng từ thời cổ đại bởi sự tinh tế, thanh nhã. Thỉnh thoảng, người Trung Quốc còn nhắc tới nhạc cụ này như “cha của âm nhạc Trung Quốc” hay “nhạc cụ của hiền nhân”. Cổ cầm là một nhạc cụ rất yên tĩnh, với phạm vi khoảng 4 quãng tám.
Chinee Guzheng – Đàn tranh
Đàn tranh hay còn được gọi là đàn thập lục, là một nhạc cụ truyền thống của Trung Quốc. Đàn thuộc họ dây, chi gảy; ngoài ra họ đàn tranh có cả chi kéo và chi gõ. Loại 16 dây nên đàn còn có tên gọi là đàn Thập lục. Nay đã được tân tiến thành 21 – 25, 26 dây (cổ tranh của Trung Quốc). Đây là nhạc cụ có thể nói là nổi tiếng nhất của âm nhạc Trung Quốc trên thế giới.
Chinee HuLuSi – Sáo bầu
Sáo bầu Trung Quốc nghĩa là tơ hồ lô, ý chỉ âm thanh mượt mà như sợi tơ. Nhạc cụ này cũng có tên gọi khác là sáo bầu tơ, là một loại sáo của dân tộc thiểu số Trung Quốc với nguồn gốc lâu đời từ trước công nguyên, có hình dạng một quả bầu hồ lô với phần đầu dùng để thổi, phần đáy cắm liền với 3 cây sáo ngắn: một cây thổi chính và 2 cây dùng để bè, kèm theo đó 3 miếng lưỡi gà. Thân quả bầu đóng vai trò như hộp âm của cây sáo, bên ngoài có thể được vẽ, khắc trang trí hoa văn hoặc không.
Chinee JingHu – Kinh Hồ
Là một nhạc cụ dây cung của Trung Quốc trong gia đình hồ cầm, được sử dụng chủ yếu trong vở kinh kịch Bắc Kinh. Nó là nhạc cụ nhỏ nhất và cao nhất trong họ hồ cầm.
Chinee LiuQin – Liễu cầm
Một loại đàn cùng họ với tỳ bà, kích thước nhỏ. Được gọi là mandolin Trung Quốc
Chinee Nanxiao – Sáo Flute
Sáo ống pan flute của Trung Quốc, gồm nhiều ống nứa hay trúc ghép với nhau khi thổi
Chinee Pipa – đàn tỳ bà
Là một loại đàn hình quả lê bổ đôi, lưng đàn cong, phồng lên ở giữa và làm bằng gỗ cứng. Còn được gọi là đàn lute Trung Quốc.
Chinee Ruan – đàn Nguyễn
Loại đàn có thân hình tròn, lớn và là tổ tiên của đàn nguyệt. Nó gồm có 3 loại: Đại nguyễn (nguyễn cỡ lớn), trung nguyễn (nguyễn cỡ vừa) và tiểu nguyễn.
Chinee Sanxian – Tam huyền cầm
Đàn tam là nhạc cụ dây gẩy, còn được gọi là tam huyền cầm xuất xứ từ Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam. Đàn được mắc ba dây nên gọi là Đàn Tam (Hán-Việt: tam là ba).
Chinee Sheng – Sanh
Nhạc cụ thổi bằng miệng Trung Quốc bao gồm các ống thẳng đứng. Nó là một loại khèn đa âm và được yêu thích ngày càng phổ biến như một nhạc cụ độc tấu.
Chinee SuoNa – Kèn bầu
Kèn Bầu là nhạc khí hơi rất phổ biến trên toàn thế giới, đồng thời một số nước khác ở Châu Âu hay Châu Á (trừ Nhật Bản và Lào) cũng có. Kèn Bầu được nhập vào Việt Nam và trở thành nhạc khí của các dân tộc Việt Nam như Tày, Chăm.
Chinee Xun – sáo huyên
Là loại sáo đất – một nhạc cụ quan trọng của Trung Quốc, được làm bằng đất sát hoặc gốm
Chinee YangQin – đàn tam thập lục
Tam thập lục, Dương cầm hay Đàn Ba Sáu, là nhạc khí dây trong âm nhạc Trung Quốc, Việt Nam. Đàn có 36 dây nên được gọi là Tam Thập Lục. Tuy nhiên ngày nay một số nghệ nhân đã cải tiến đàn này bằng cách mắc thêm nhiều dây nữa để đánh được nhiều âm hơn, kể cả những âm nửa cung. Mục đích cải tiến là làm sao để dễ dàng đánh những bài nhạc có nhiều chuyển điệu. Tuy số lượng dây đã vượt quá con số 36 nhưng người ta vẫn quen gọi là đàn tam thập lục.
Chinee Zhonghu – Trung hồ
Hồ trung có kích thước lớn hơn hồ thường. Dây đàn hồ trung to hơn dây đàn hồ và được định âm trầm hơn dây đàn hồ 1 quãng tám. Do có kích thước tương đối lớn và trọng lượng đáng kể, khi sử dụng, nhạc công phải dùng một giá đỡ hộp đàn bằng gỗ để trước mặt và diễn tấu trong tư thế ngồi trên ghế.
Chinee MaTouQin – Mã đầu cầm
Đây là một trong những nhạc cụ quan trọng nhất của người Mông Cổ, và là một biểu tượng quốc gia của Mông Cổ
Chinee Bianzhong – chuông Biên
Là một nhạc cụ cổ xưa của Trung Quốc bao gồm một bộ chuông đồng, được chơi bằng giai điệu. Những bộ chuông này được sử dụng làm nhạc cụ đa âm và một số trong những chiếc chuông này đã có niên đại từ 2.000 đến 3.600 năm.
Tổng kết
Như vậy ở bài viết này, HocFLStudio.com đã giới thiệu cho bạn các nhạc cụ và cách sử dụng cơ bản nhạc cụ dân tộc với VST Qin RV. Đây chỉ là những hướng dẫn cơ bản và hy vọng bạn sẽ tìm hiểu được nhiều tính năng hay hơn nữa với VST này. Xin chào và hẹn gặp lại.