Ebook

[Ebook] Sổ tay Mixing cơ bản

Ebook “Sổ tay Mixing cơ bản” là một Ebook nhỏ, gồm những nội dung xung quanh Mixing, được viết rất ngắn gọn, giúp bạn làm nhạc dễ dàng hơn.

Nội dung

Giới thiệu về Ebook

Trong quá trình làm nhạc, chắc hẳn bạn đã gặp rất nhiều các thông số mà bạn đã quên, hoặc những nội dung mà bạn muốn xem lại nhưng không nhớ tìm ở đâu. Hiểu được vấn đề này, HocFLStudio.com đã tổng hợp và tạo nên cuốn Ebook “Sổ tay Mixing cơ bản” này. Rất hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn.

Người tổng hợp: Hiển Sàn

Rất cám ơn những kiến thức mà các producer khác đã chia sẻ, để giúp HocFLStudio.com học hỏi theo và tổng hợp tạo nên Ebook này. Các bạn lưu ý, các nội dung Mixing này chỉ mang tính tham khảo, bạn không nên áp dụng quá máy móc nhé, hãy luôn tin tưởng vào cảm nhận riêng của bạn.

Mục đích Mixing

Làm bài nhạc trở nên sạch sẽ hơn

Sau khi chúng ta thực hiện công đoạn hoà thanh phối khí cho bài nhạc, chắc chắn sau đó chúng ta sẽ cần phải làm cho bài nhạc của chúng ta sạch sẽ bằng Mixing. Ở công đoạn Arrangement và Instrumentation ấy, chúng ta sẽ thường thả hồn mình vào công đoạn sáng tạo. Vì thế, chúng ta sẽ suy nghĩ nhiều hơn về việc sử dụng âm thanh gì ở đoạn nào phần nào, hay là suy nghĩ xem làm những hiệu ứng gì ở từng đoạn. Do đó, thông thường chúng ta sẽ hoàn thành phần đó trước rồi mới tiến tới Mixing.

Mặc dù vậy, cũng có rất nhiều Producer vừa hoà thanh phối khí, lại vừa kết hợp Mixing nhẹ nhàng, điều này không có gì sai cả. Tất cả sẽ tuỳ thuộc vào workflow và cảm hứng của mỗi Producer. Đặc biệt, trong một số dòng nhạc đòi hỏi phải design sound, rất có thể trong quá trình design sound ấy, người Producer cũng sẽ phải kết hợp Mixing ngay giai đoạn ấy.

Việc làm sạch bản Mix này thường sẽ xoay quanh việc cắt các dải tần số thừa, cân bằng âm lượng hay kể cả Sidechain … Tất cả những công việc này giúp cho bản Mix trở nên sạch sẽ, gọn gàng hơn, giúp các âm thanh không xung đột lẫn nhau và bài nhạc sẽ sẵn sàng cho việc thêm những hiệu ứng hay ho hơn nữa ở những bước sau.

Cân bằng trong bài nhạc

Cân bằng âm lượng

Đây gọi tắt là công đoạn Cân bằng âm lượng (Gain Stage). Là một công đoạn vô cùng quan trọng trong Mixing, thông thường công việc cân bằng âm lượng này được thực hiện ngay cả trong quá trình Arrangement. Có rất nhiều bài nhạc, chỉ cần cân bằng âm lượng thôi là nghe đã hay hơn rất nhiều so với khi trước khi làm công đoạn này.

Sở dĩ phải có công đoạn này, là vì trong quá trình làm nhạc trước đấy, chúng ta thường sẽ tập trung vào những âm thanh mới. Nói một cách khác, chúng ta lúc ấy sẽ quan tâm nhiều hơn đến chi tiết của từng âm thanh, từng đoạn chứ không quan tâm nhiều tới tổng thể của cả bài nhạc. Gain Stage sẽ giúp cân bằng âm lượng cho cả một bài nhạc, giúp bài nhạc trở nên cân bằng trước khi bước vào các giai đoạn sau này của Mixing.

Thông thường, các producer sẽ cân bằng âm lượng dựa theo tiếng Kick trước, sau đó là tiếng Bass và lần lượt các âm thanh khác. Có Producer sẽ cân bằng bộ Drum trước, sau đó tới nhạc cụ, rồi tới Vocal. Có Producer lại cân bằng ưu tiên Kick, Bass và Vocal trước, sau đó cân bằng các âm thanh khác xoay quanh Kick và Vocal. Các cách trên đều đúng nếu như nó thực sự hiệu quả với bạn, và bạn đã quen với cách Mixing ấy rồi. Điều quan trọng là bài nhạc sau khi cân bằng âm lượng phải được cân bằng hài hoà và hợp lý.

Compressor

Compressor là một công cụ nén giúp cân bằng Dynamic của âm thanh, giúp giảm độ chênh lệch giữa âm thanh to nhất và âm thanh nhỏ nhất. Đây là công cụ gần như là quan trọng nhất trong Mixing. Không những giúp làm đều tiếng hơn, nhiều VST Compressor còn giúp thêm màu sắc hơn cho âm thanh.

Thông thường, chúng ta sẽ sử dụng Compressor cho các âm thanh nổi bật như Vocal, Bass, Drum. Có những VST Compressor thường dùng, có thể kể tên như Fabfilter Pro C2, các Compressor trong bộ Waves …

Ngoài việc Compressor từng âm thanh một, sẽ còn có cả chức năng Compressor theo từng nhóm âm thanh, được gọi là Compressor Bus. Bạn có thể sử dụng Compressor Bus cho các nhóm thuộc bộ Drum hoặc Bass … Mục đích của nó là để kết dính, làm hài hoà, các âm thanh quyện lại hơn.

Mặc dù vậy, chúng ta cũng không nên quá lạm dụng Compressor, đôi khi nén quá nhiều sẽ khiến âm thanh bị Dynamic, điển hình như sound Bass nếu bị Compressor quá mạnh sẽ khiến Bass bị xịt.

Làm nổi bật những âm thanh mình mong muốn

Sau khi cân bằng các âm thanh trong bản phối của mình, bạn có thể làm các âm thanh ấy trở nên nổi bật rõ ràng hơn. Có rất nhiều cách giúp bạn làm công việc này, ví dụ như:

  • EQ Addictive
  • Saturation
  • Distortion

Nhờ những công cụ này, âm thanh trở nên rõ ràng hơn, nổi bật hơn và có nhiều màu sắc hơn.

Thêm các hiệu ứng mà mình muốn

Thế giới của Mixing là vô cùng lớn, có rất nhiều hiệu ứng hay và thú vị về Mixing mà bạn có thể tìm hiểu. Nó có thể là Delay, Reverb, Tape Stop, Reverser … Bên trong những hiệu ứng này sẽ lại có các thông số riêng, để giúp bạn tạo nên những hiệu ứng khác nhau. Điển hình như riêng Reverb, bạn sẽ lại phải tìm hiểu các kiểu Reverb khác nhau như Hall, Chamber, Room … Tất cả những nội dung này, bạn cần tìm hiểu và đúc kết riêng cho bản thân mình.

Thực ra, chúng ta cũng không nên suy nghĩ là thêm quá nhiều hiệu ứng vào sẽ khiến bài nhạc của chúng ta trở nên hay hơn. Chúng ta cần xác định là liệu chúng ta muốn thêm hiệu ứng nào, liệu hiệu ứng ý có cần thiết không. Quan trọng nhất vẫn là sự hoà hợp của cả một bài nhạc.

Mặc dù vậy, có những hiệu ứng gần như lúc nào cũng sẽ có mà các bạn cần đặc biệt lưu tâm, ví dụ như Reverb hay Delay.

Automation

Automation hay có thể hiểu đơn giản là hiệu ứng tự động hoá. Trong FL Studio, chúng ta thường sẽ Automation các núm vặn, giúp bài nhạc trở nên chuyển động hơn, thú vị hơn nhiều.

Các bạn cũng không nên suy nghĩ Automation sẽ chỉ là Volume. Hai hiệu ứng rất nổi bật, mà cũng là Automation, đó chính là Fade In và Fade Out, tuy nhiên còn rất nhiều kiểu Automation nữa. Ví dụ như bạn hoàn toàn có thể Automation Delay cho Vocal, hay Automation Pitch Bend trong Guitar.

Một hiệu ứng được rất nhiều người yêu thích, đó là Automation Panning sang 2 bên tai. Bạn nên sử dụng Automation, đây thực sự là một hiệu ứng quan trọng giúp bài nhạc trở nên vô cùng ấn tượng với người nghe.

Chuẩn bị sẵn sàng cho công đoạn Master sau này

Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Mixing, đó là chuẩn bị sẵn sàng cho công đoạn Master. Tương tự như Arrangement chuyển sang Mixing, nếu bạn muốn Master bài nhạc thật tốt, bạn sẽ cần phải Mixing một cách chỉnh chu nhất.

Về cơ bản, bạn sẽ cần phải đảm bảo một mức âm lượng vừa đủ, để sẵn sàng cho Master. Mức âm lượng khoảng trống này, được gọi là Headroom. Khi Master, sẽ cần một khoảng âm lượng nhất định, để người Master sẽ tác động vào bài nhạc, giúp nó trở nên hoàn thiện hơn, sau đó sẽ là tối ưu hoá âm lượng cho nền tảng phát hành. Do đó, khi Mixing, bạn sẽ phải đảm bảo âm lượng đủ cho công đoạn Master sau này.

Mixing có những gì?

Cân bằng âm lượng

Thực ra có rất nhiều các cách cân bằng âm lượng khác nhau, bạn có thể tham khảo các cách sau.

Cân bằng từ tiếng Kick

Cách phổ biến nhất, đó là bạn sẽ cân âm lượng dựa theo tiếng Kick. Đầu tiên, bạn solo tiếng Kick, đặt nó ở mức -10db chẳng hạn, sau đó bật lần lượt Bass và đến các âm thanh khác.

Cân bằng từ Vocal

Đối với chúng ta, Vocal luôn là âm thanh được chú ý nhiều nhất. Đối với cách này, chúng ta sẽ cân bằng Vocal trước (ở mức âm lượng nhỏ), sau đó sẽ lần lượt bật các sound còn lại dựa theo âm lượng của Vocal.

Khi nào nên cân bằng âm lượng

  • Bạn hoàn toàn có thể vừa Arrangement, vừa cân bằng âm lượng, miễn là bạn không được để nó ảnh hưởng đến công đoạn sáng tạo của bạn giai đoạn này.
  • Khi hoàn thành công đoạn Arrangement, bạn cũng có thể cân bằng âm lượng luôn. Có nhiều producer EQ xong mới âm lượng.
  • Khi hoàn thành xong công đoạn Mixing, bạn cần một lần nữa cân bằng âm lượng, để nó đạt được âm lượng chuẩn trước khi Master

Lời khuyên khi cân bằng âm lượng

  • Bạn nên cân bằng âm lượng ở mức âm lượng nhỏ, nó sẽ giúp bạn dễ dàng hơn khi Mixing. Mixing với âm lượng quá to sẽ khiến tai bạn nhanh bị mệt.
  • Không chỉ có điều chỉnh mới tác động tới âm lượng, trên thực tế EQ, Compressor hay thêm các hiệu ứng cũng có thể tác động tới âm lượng. Do đó trước khi sang công đoạn Master, bạn cũng cần check kỹ âm lượng.
  • Bạn có thể cân bằng âm lượng ở chế độ Mono. Có nhiều producer cân bằng âm lượng với chế độ Mono. Tuy nhiên, cũng có nhiều producer vẫn cân bằng âm lượng ở chế độ Stereo, rồi chỉ check lại qua Mono. Một điểm là khi bạn Pan trái phải một âm thanh nào đấy, khi cân bằng âm lượng ở chế độ Mono, âm lượng sẽ 100% ra giữa, nó có thể sẽ khiến bạn cân bằng không chuẩn với ý độ của bạn ban đầu ở chế độ Stereo. Mặc dù vậy, kiểm tra qua Mono vẫn vô cùng quan trọng, vì khi nghe nhạc qua điện thoại, loa điện thoại thường sẽ là loa Mono

EQ Reductive

EQ Reductive hiểu đơn giản là bạn sẽ cắt các tần số thừa, không cần thiết của các âm thanh. Đây là công đoạn quan trọng, giúp bạn giúp bài nhạc trở nên sạch sẽ hơn. Có thể nếu nghe riêng từng âm thanh, bạn sẽ không nhận ra được tiếng ồn ấy, nhưng nếu có nhiều âm thanh cùng có tần số thừa ấy, nó sẽ cộng hưởng và khiến bài nhạc bị ồn.

Thường sẽ có các cách EQ Reductive cơ bản sau:

EQ Low Cut

Đây là cách làm giúp bạn cắt các tần số thừa ở dải tần số thấp. Cụ thể Low Cut ở tần số nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào âm thanh mà bạn sẽ cắt.

EQ High Cut

Đây là cách làm giúp bạn cắt các thần số thừa ở dải tần số cao. Cụ thể High Cut ở tần số nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào âm thanh mà bạn sẽ cắt.

EQ Bell Cut

Là một kiểu cắt EQ mà bạn sẽ cắt một đoạn nhỏ ở giữa dải tần số mà bạn chọn ở âm thanh. Bạn sẽ nhìn hình để hiểu hơn. Đây cũng là một cách mà nhiều Producer sử dụng để rò và làm sạch Vocal hơn, giúp xoá những tần số ù.

Lưu ý khi cắt EQ

Một lưu ý bạn cần cẩn thận khi cắt EQ, đó là bạn không nên cắt quá nhiều và quá sâu (nếu nó không cần thiết). Khi bạn can thiệp EQ, chắc chắn là bạn sẽ làm cho âm thanh bị thay đổi, nếu cắt quá sâu sẽ khiến âm thanh thay đổi về âm sắc. Thông thường, chúng ta sẽ chỉ cắt EQ ở những tần số xấu hoặc thừa, âm thanh sau khi cắt vẫn phải nghe hay và hợp lý.

Compressor

Compressor là một công cụ nén giúp cân bằng Dynamic của âm thanh, giúp giảm độ chênh lệch giữa âm thanh to nhất và âm thanh nhỏ nhất. Đây là công cụ gần như là quan trọng nhất trong Mixing. Không những giúp làm đều tiếng hơn, nhiều VST Compressor còn giúp thêm màu sắc hơn cho âm thanh.

Thông thường, chúng ta sẽ sử dụng Compressor cho các âm thanh nổi bật như Vocal, Bass, Drum. Có những VST Compressor thường dùng, có thể kể tên như Fabfilter Pro C2, các Compressor trong bộ Waves …

Các thông số cơ bản trong Compressor

1. Threshold

Threshold giống như 1 cái ngưỡng, mà khi âm thanh của bạn to vượt ngưỡng này, compressor sẽ lập tức tác động vào để nén âm thanh xuống.

Thresshold là chức năng rất quan trọng trong Compressor.

2. Ratio

Ratio hay còn được gọi là tỉ lệ nén. Khi âm thanh vượt ngưỡng, Compressor sẽ tác động nén và nén bao nhiêu là do tỉ lệ Ratio.

Ratio được biểu diễn bằng các con số như 1:1, 2:1, 3:1, 4:1 …

Nó có nghĩa là ví dụ Ratio bạn đặt là 2:1, thì nếu tín hiệu vượt qua threshold à 2db, Compressor sẽ nén để nó chỉ vượt quá threshold theo tỉ lệ 1:2 của 2db đã vượt qua là còn 1db.

3. Attack

Attack sẽ quyết định là Compressor sẽ bắt đầu hoạt động nhanh hay chậm. Các bạn hiểu cơ bản là khi âm thanh đã vượt ngưỡng threshold thì nếu bạn để attack nhanh thì Compressor sẽ can thiệp ngay lập tức và ngược lại.

4. Release

Release sẽ quyết định là Compressor sau bao lâu sẽ kết thúc. Nếu bạn để thời gian Release càng lâu thì Compressor nén càng lâu, thời gian Release càng nhanh thì Compressor nén càng ít.

5. Type

Trong Fruity Compressor có tab Type này, các bạn có thể hiểu đơn giản nó là màu sắc khi bạn Compressor. Trong đó:

– Hard: mạnh

– Medium: vừa

– Vintage: cổ điển

– Soft: mềm mại

6. Gain

Là âm lượng ban đầu của âm thanh

EQ Addictive

Đây là công đoạn bạn tăng các tần số mà bạn muốn của âm thanh ấy. Ví dụ nếu bạn muốn Vocal trở nên sáng hơn, bạn có thể tăng dải tần số ở tầm 2500 Hz. Tăng ở tần số nào hoàn toàn phụ thuộc vào âm thanh mà bạn đang làm việc.

Saturation/Distortion

Saturation làm âm thanh của bạn dày hơn, ấm áp hơn và có chiều sâu hơn.

Distortion thì lại là một dạng biến dạng âm thanh, làm âm thanh trở nên gắt và “phá phách” hơn.

2 hiệu ứng này thường đi cùng nhau, được sử dụng nhiều khi bạn muốn thêm độ gắt, thêm màu sắc, thêm sự nổi bật cho âm thanh. Mặc dù vậy, hãy cẩn thận khi sử dụng chúng nếu như bạn chưa đủ tự tin. Vì thế dùng không khéo, sẽ khiến người nghe cảm thấy khó chịu.

Có một số VST thuộc dạng Saturation và Distortion có thể kể đến như Soundgoodlizer, Camelcrusher hay Saturation Knob.

Reverb

Reverb hiểu đơn giản là khi âm thanh được phát ra, nó sẽ va đập với môi trường xung quanh và đến tai của bạn, giúp bạn cảm nhận được không gian của âm thanh ấy, cảm nhận được độ xa gần, không gian của âm thanh.

Dưới đây là các thông số và các dạng Reverb (được copy từ hướng dẫn của Youtube Music Creating chia sẻ)

Size

(Room Size, Hall Size, Height, Width, Depth) — kích thước không gian chứa nguồn âm.

Pre Delay

(Initial Delay) — thời gian chênh lệch giữa âm thanh gốc và âm phản xung kích đầu tiên.

Early Reflection Level

Cường độ của âm phản xung kích đầu tiên, phụ thuộc vào tính chất của bề mặt phản xạ âm

Density

Mức độ dầy đặc của âm phản xung kích đầu tiên, phụ thuộc vào số lượng mặt phẳng phản âm.

Diffusion

Độ dầy đặc của tiếng vang do nhiều âm phản hòa vào nhau. Phụ thuộc vào địa hình và số vật cản

Reverb Time (Decay)

Thời gian vang (Thời gian mà reverb giảm xuống đến -60 db).

High Cut

EQ cắt giải tần cao của Reverb. Làm cho màu của của reverb mềm và đỡ chói hơn.

Low Cut

EQ cắt giải tần thấp của Reverb. Làm cho màu của của reverb đỡ tối

High Damp (LPF)

Cắt bớt tần số cao của các âm thanh phản cấu tạo nên đuôi của reverb.

Low Damp (HPF)

Cắt bớt tần số thấp của các âm thanh phản cấu tạo nên đuôi của reverb.

Er/Rev Balance

Điều chỉnh tỷ lệ giữa cường độ âm phản xung kích và đuôi của tiếng vang.

Reverb Send Level (Depth, Volume)

Cường độ tiếng vang. Đây là thông số chính để tăng giảm hiệu ứng tiếng vang

Balance (Dry/Wet)

Điều chỉnh tỷ lệ giữa tín hiệu khô (gốc) và tín hiệu ướt (Reverb).

Release Density

Độ dày đặc của âm phản ở cuối thời gian vang.

Reverb Delay

Khoảng thời gian giữa âm phản xung kích và đuôi reverb.

Wall Vary

Tính chất các bề mặt phản âm, càng lớn thì âm phản càng phân tán và đuôi rever sẽ mỏng đi

Các dạng Reverb  cơ bản

Hall (Đại sảnh)

Reverb của các hội trường hoặc sân khấu lớn. đặc trưng bơi độ sâu và thời gian tắt dài. Tạo cảm giác nguồn âm xa người nghe.Có thể áp dụng cho vocal bè

Room (căn phòng)

Reverb của căn phòng không lớn lắm. Phù hợp áp dụng cho các nhạc cụ.

Live (Stage)

Hiệu ứng vang giả lập không gian sân khấu, Thường áp dụng cho các nhạc cụ solo.

Plate (tấm kim loại)

Tiếng vang được tạo nên bởi phản xạ từ các tấm kim loại treo một cách đặc biệt trong phòng kín. Thường áp dụng cho vocal hoặc các nhạc cụ gõ.

Spring (lò xo)

Lo-fi reverb, được tạo nên bởi sự phản xạ âm thanh trong một kết cấu lò xo đặc biệt.

Chamber (phòng eco)

Tiếng vang được tạo trong các studio được sắp đặt đặc biệt. Có thể dùng cho vocal và nhạc cụ

Gate ( reverb ngưỡng)

Dạng tiếng vang nhân tạo bị cắt cụt đột ngột phần đuôi reverb. Thường áp dụng cho các bộ gõ.

Reverse (reverb đảo ngược)

Dạng reverb nhân tạo dung hiệu ứng đảo ngược nên đuôi reverb sẽ từ bé và to lên đột ngột, (ngược với reverb bình thường). Đôi khi dung để tạo hiệu ứng đặc biệt cho vocal

Delay

Delay hiểu đơn giản là hiệu ứng sau 1 khoảng thời gian nhất định được phát ra, các âm thanh phản hồi lại đến tai người nghe. Một ví dụ dễ hiểu là khi bạn AAA trong hang động, những tiếng a nhỏ hơn sẽ phản hồi lại đến tai bạn.

Các thông số cơ bản trong Delay

Input

Âm thanh đầu vào.

Pan

Vọng trái, vọng phải

Volume

Âm lượng Delay

Delay Time

Thời gian giữa tín hiệu gốc và tín hiệu Delay phát ra

Feedback

Quy định số lần Delay được lặp lại

Các kiểu Delay

Slapback

Thời gian lặp rất ngắn

Doubling

Phù hợp với Vocal. Delay Time giảm thấp, khiến người nghe cảm như không nghe thấy Delay.

Longer Delay

Trái ngược với Doubling, Delay Time dài

Ping Pong Delay

Âm thanh lặp lai qua tai trái phải

Effect FX

Có rất nhiều các VST hiệu ứng khác nhau trong Mixing, HocFLStudio.com gợi ý cho bạn đường link các VST Mixing miễn phí để bạn tham khảo tìm hiểu, trong đó có VST Glitch 3 chứa khá nhiều hiệu ứng thú vị.

Pan

Được hiểu đơn giản là âm thanh ở bên tai trái, hay ở bên tai phải. Không có công thức cụ thể nào cho Pan, hoàn toàn phụ thuộc vào cách sắp xếp của bạn.

Thông thường, người ta sẽ thường cho tiếng Kick, Vocal và Bass ở chính giữa, và các âm thanh khác ở xung quanh. Có một số producer sẽ dựa vào dàn trống cổ điển, để pan theo.

Stereo/Mono

Đây là khái niệm liên quan đến không gian của bài nhạc, cụ thể liên quan đến dải Stereo. Nếu bạn để Mono, âm thanh sẽ hoàn toàn tập trung ở chính giữa, giúp bạn cảm thấy gần hơn. Nếu bạn để Stereo, âm thanh sẽ sang bên hai tai, giúp bạn cảm thấy rộng hơn và xa hơn.

Thông thường, các tiếng Bass sẽ được để ở Mono, các âm thanh như Clap, Snare, Percussion, Melody đệm … sẽ để Stereo. Tuy nhiên, không phải lúc nào, việc chia không gian như trên cũng đúng, bạn cũng có thể tìm ra cách chia không gian Stereo và Mono phù hợp với bài nhạc của bạn.

Việc chia Stereo/Mono này rất quan trọng, nó giúp bài nhạc của bạn có không gian hơn. Khoảng giữa của dải stereo sẽ không bị bí, các âm thanh sẽ thoáng hơn. Nó cũng giúp cho các âm thanh bớt xung đột với nhau.

Chia không gian

Thông thường, khi nhắc tới chia không gian, mọi người sẽ chỉ thường quan tâm tới dải Stereo/Mono, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chia được không gian nhiều hơn nhờ tư duy như sau.

Chúng ta sẽ tư duy việc chia không gian bài nhạc như một không gian 3 chiều.

Hai bên tai

Đây chính là dải Stereo/Mono mà HocFLStudio.com đã nói ở trên. Âm thanh ở 2 bên tai và ở giữa, giúp bạn cảm nhận được không gian ở 2 bên tai của mình.

Xa gần

Một chiều không gian nữa mà bạn cần quan tâm, đó là cảm giác xa gần của âm thanh. Bạn điều chỉnh âm thanh xa gần đối với tai của bạn. Các công cụ giúp bạn tạo cảm giác xa gần cho âm thanh, đó là công cụ Reverb, Delay và kể cả Volume.

Cao thấp

Bạn có để ý không, khi các ca sĩ thường khi biểu diễn, sẽ đứng trên bục để hát. Nó sẽ giúp cho giọng hát trở nên nổi bật hơn, đến gần tới tai người nghe hơn. Cách để giúp âm thanh trở nên cao hơn, sáng hơn, đó chính là sử dụng EQ. Bạn có thể boost các tần số EQ ở các dải tần số treble lên, giúp âm thanh trở nên sáng hơn, rõ hơn.

Automation

Automation là chức năng tự động xoay hay di chuyển các núm vặn trong FL Studio, là một chức năng rất hay được sử dụng giúp bài nhạc trở nên chuyển động và mượt mà hơn

Để thực hiện Automation trong FL Studio, bạn có thể tham khảo bài viết đầy đủ này:

Limiter

Limiter có thể hiểu là một thiết bị nén mà Attack bằng 0 và Ratio là vô cực. Tức là khi âm thanh vượt qua ngưỡng threshold, Limiter sẽ cắt âm thanh ấy luôn.

Sidechain

Một trong những công cụ không thể thiếu trong âm nhạc hiện đại, đặc biệt là nhạc House, đó chính là Sidechain. Bạn có thể xem bài viết đầy đủ về Sidechain để hiểu cách làm Sidechain trong FL Studio.

Chorus

Chorus được hiểu đơn giản là bạn thêm hiệu ứng biến âm thanh gốc như một dàn hợp xướng, tức là bạn sẽ thêm các lớp bè cho âm thanh đó, biến nó như 1 dàn đồng ca.

Autotune

Autotune là một hiệu ứng thường được dùng trong Mix Vocal, giúp ca sĩ hát đúng nốt. Đã có một bài viết rất đầy đủ về Autotune, đó là cuốn Ebook của nhà sản xuất đã được dịch sang Tiếng Việt, bạn có thể tham khảo nó tại đây:

Hoặc nếu bạn chỉ muốn tìm kiếm một hướng dẫn ngắn gọn dễ hiểu, bạn có thể đọc bài viết này:

Pitch

Pitch là một hiệu ứng bạn thêm vào để điều chỉnh cao độ của âm thanh.

Mixing quan trọng nhất là gì?

Muốn bản Mix của chúng ta trở nên hay nhất, chúng ta cần những gì, dưới đây là những gợi ý cơ bản giúp bạn hoàn thiện hơn trong Mixing.

Cân bằng

Chúng ta có thể hiểu cân bằng ở đây là tổng thể cả bài nhạc của chúng ta sau khi Mixing phải trở nên cân bằng. Cân bằng từ âm lượng như tiếng Kick không được to quá, tiếng Bass không được to quá, Vocal không nên át nhạc cụ, Melody đệm không nên lấn át Vocal … Cân bằng cả ở trong EQ giữa Bass, Kick, Vocal, Clap, Snare, Percussion …

Sự cân bằng này còn được thể hiện cả ở các phần của một bài nhạc, bạn chắc chắn sẽ không muốn một đoạn Drop bị xịt, so với đoạn Build Up quá to. Những yếu tố cân bằng này, giúp người nghe có thể cảm nhận được bài nhạc và sẽ giúp bài nhạc của bạn được phát đi phát lại nhiều lần mà không gây ra cảm giác khó chịu.

Sạch sẽ

Bản Mix của chúng ta cũng sẽ phải được trau chuốt cẩn thận, các dải tần số xấu và tần số thừa phải được cắt sạch sẽ. Quan trọng là khi xử lý Vocal, các tín hiệu nhiễu cũng phải được cắt, để Vocal trở nên sạch sẽ nhất.

Ngoài ra, việc bạn thêm hiệu ứng cũng rát có thể ảnh hưởng đến sự sạch sẽ của bài nhạc. Ví dụ như khi bạn thêm Reverb vào, nếu bạn không làm cẩn thận, rất có thể sẽ khiến cho bài nhạc bị “lùng bùng” với tiếng Reverb chưa được cắt EQ. Hay như khi bạn thêm Saturation hay Distortion, vô tình bạn cũng sẽ làm tăng thêm các tần số ở các dải tần số không cần thiết, nếu không cắt các tần số này, chắc chắn nó cũng sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng bản Mix của bạn.

Hoà hợp

Hoà hợp ở đây có thể hiểu là các âm thanh mà bạn Mixing, không được xung đột nhau. Mỗi âm thanh cần có được vị trí không gian riêng, hợp lý để không lấn át nhau. Sự hoà hợp này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sắp xếp hợp lý của bạn trong Mixing. Bạn cần cố gắng làm thế nào để người nghe có thể cảm nhận được trọn vẹn các âm thanh mà bạn làm, nhưng không được làm họ cảm thấy khó chịu vì những xung đột của chúng.

Đạt âm lượng chuẩn để Master

Như HocFLStudio.com đã nói ở trên, nhiệm vụ quan trọng của Mixing, đó là đảm bảo mức âm lượng chuẩn để tiến hành Master sau này. Mức âm lượng bạn có thể làm để bản nhạc trước khi Master của bạn đạt được, có thể ở mức -6db đến -4db. Đây sẽ là mức headroom hợp lý giúp Master tốt hơn ở sau này.

Muốn Mixing hay cần gì?

Sound hay

Lời khuyên mà rất nhiều producer nổi tiếng đã khuyên, đó là bạn cần phải có những sound hay trước khi Mixing. Nếu các sound bạn hay sẵn rồi, thậm chí bạn chỉ cần vặn volume là đủ. Bạn không nên mixing một sound không hay để nó trở nên hay được (không nên làm thế), bạn nên chọn một sound hay hẳn ngay từ đầu và mixing nó để trở nên tuyệt vời.

Kiến thức Mixing

Mixing khác với Arrangement, nếu như ở phần hoà thanh phối khí, đôi khi sự sáng tạo của bạn sẽ giúp bài nhạc của bạn trở nên thú vị, còn với Mixing, bạn cần phải tính toán rất kỹ lưỡng. Muốn Mixing hay, chắc chắn bạn sẽ cần phải tìm hiểu nhiều về Mixing.Sau khi tìm hiểu nhiều về Mixing, có nhiều kiến thức, bạn sẽ dần dần đem cái tôi của mình vào Mixing, để bài nhạc của bạn trở nên ngày càng có hồn hơn nữa. HocFLStudio.com rất vui khi bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều kiến thức Mixing tại đường link dưới đây do HocFLStudio.com đã viết và tổng hợp:

Tai kiểm âm và thiết bị đi kèm

Thiết bị vô cùng quan trọng đó là một chiếc tai kiểm âm. Tai kiểm âm có chi phí rẻ hơn nhiều so với loa (kèm với một phòng thu đạt chuẩn). Các loại tai nghe phổ thông sẽ khó có thể cung cấp cho bạn chất lượng âm thanh chất lượng và chân thực nhất như tai kiểm âm. Có một số tai kiểm âm có chất lượng tốt và mức giá hợp lý bạn có thể tham khảo dưới đây:

  • Beyerdynamic DT990 pro
  • Beyerdynamic DT770 pro
  • Audio Technica – ATH M50x
  • Audio Technica ATH-M40X
  • Sennheiser HD 650

Có 2 loại tai kiểm âm, đó là tai nghe đóng và tai nghe mở. Để Mixing, bạn nên chọn loại tai nghe mở, âm thanh sẽ bị thoát ra ngoài tai nghe, nhưng nó sẽ giúp tai bạn đỡ mệt hơn. Tai đóng cũng giúp bạn cảm nhận không gian tốt hơn. Tai đóng có điểm mạnh là chỉ người nghe là nghe được âm thanh, cách âm rất tốt, bên ngoài sẽ không nghe thấy gì, nó rất phù hợp cho thu Vocal.

Ngoài tai kiểm âm ra, bạn có thể cần chuẩn bị thêm soundcard, vì những tai nghe chất lượng sẽ cần thêm soundcard để giúp nó xử lý âm thanh tốt nhất. Soundcard cũng vô cùng quan trọng trong làm nhạc mà bạn nên chuẩn bị. HocFLStudio.com gợi ý cho bạn soundcard Focusrite scarlett 2i2, đây là soundcard giá hợp lý và được nhiều producer sử dụng.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn có thể sắm thêm cặp loa kiểm âm, nhưng hãy chú ý rằng loa kiểm âm chỉ phát huy tác dụng tốt nhất nếu nó được đặt trong một căn phòng tiêu âm và có tiêu chuẩn âm thanh chuẩn. Chi phí để xây một phòng thu chất lượng như vậy là khá tốn kém. Nhưng bạn vẫn nên chuẩn bị một chiếc loa tốt để hỗ trợ đắc lực trong việc làm nhạc cũng như kiểm tra bản nhạc trên nhiều thiết bị khác nhau.

Đôi tai khoẻ mạnh

Khi mới làm nhạc, chúng ta thường dễ bị cảm hứng cuốn theo. Chúng ta thường làm thông luôn, vừa làm nhạc xong là bắt tay vào Mixing Master luôn. Kết quả là lúc ấy tai nghe của chúng ta khi Mixing đã rất mệt rồi, và việc Mixing trở nên sai lệch. Lời khuyên dành cho bạn, đó là bạn nên chia thời gian ra. Trung bình mỗi ngày, chỉ có khoảng 3,4 tiếng là chúng ta có thể làm nhạc hay nhất và khoẻ mạnh nhất. Nếu làm nhạc quá lâu sẽ rất mệt.

Một mẹo mà bạn có thể áp dụng, đó là khi hoà thanh phối khí, bạn có thể sử dụng loa để thoải mái sáng tạo, không làm tai bị mệt, đến phần Mixing bạn mới dùng tai nghe kiểm âm để làm việc. Tất nhiên, nó hoàn toàn phụ thuộc vào workflow và thói quen của bạn.

Các VST thường dùng

Muốn Mixing hay, bạn sẽ không thể thiếu các VST chất lượng. Chúng tôi gợi ý cho bạn các VST được nhiều producer sử dụng để Mixing như:

  • Fabfilter
  • Waves
  • Valhalla

Trên đây chỉ là 3 bộ VST Mixing được nhiều Producer sử dụng. Ngoài ra, sẽ còn có rất nhiều các VST Mixing khác, bạn nên tìm hiểu nhé.

Tổng kết

Trên đây là những tóm tắt rất cơ bản trong Mixing, thực tế là sẽ còn rất nhiều kiến thức khác trong Mixing mà bạn cần tìm hiểu. Riêng ở mỗi phần sẽ còn có những nội dung sâu hơn, chi tiết hơn nữa. Để Mixing hay, ngoài kiến thức, bạn cũng cần phải có rất nhiều kinh nghiệm. Một điều nữa, là mỗi thể loại nhạc lại có cách Mixing khác nhau, nên bạn không thể áp dụng cùng một kiểu Mixing với tất cả các bài nhạc. HocFLStudio.com rất hy vọng Ebook sổ tay mini về mixing cơ bản này sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong quá trình làm nhạc. Rất cám ơn bạn đã đọc bài viết này. Xin chào và hẹn gặp lại.

 

5/5 - (116 bình chọn)
Bình luận

Hiển Sàn

About Author

Mình là Đàm Vinh Hiển. Mình là một Producer tự do. Mình từng hợp tác và làm nhạc cho một số nghệ sĩ như ca sĩ Thu Thuỷ, rapper Robber, Winno (Hustlang), nhạc sĩ Phương Duy Anh (sáng tác ca khúc Giả vờ yêu) … Mình cũng từng được duyệt và phát hành một số bản Remix trên các nền tảng như Dzus Records, Hoa hồng dại, Nhaccuatui … Hiện mình cũng đang hợp tác với Song Đạt Media để tuyển dụng các Music Producer làm nhạc và tìm mua các bài nhạc chất lượng để phát hành. Hy vọng với kinh nghiệm của mình có thể giúp đỡ các bạn làm nhạc hay hơn nữa với FL Studio.

Bài viết liên quan

Ebook

[Ebook] Giáo trình hướng dẫn FL Studio 20 cơ bản

FL Studio 20 là một công cụ mạnh mẽ, giúp bạn làm nhạc cũng như học nhạc. Mặc dù vậy,
Ebook

Giáo trình hướng dẫn FL Studio cơ bản (Việt Hoá)

FL STUDIO 20 EBOOK HƯỚNG DẪN CHO NGƯỜI MỚI Tác giả: FL Studio – image-line.com Việt Hoá: Hiển Sàn –
Chat hỗ trợ
Chat ngay