Trong quá trình Mixing, khi gặp những âm thanh chói, chúng ta sẽ có nhiều cách khác nhau để xử lý những âm thanh khó chịu này, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, trường hợp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tổng hợp những cách xử lý phổ biến với những âm thanh bị chói trong Mixing bạn nhé.
Thế nào là âm thanh bị chói?
Âm thanh trở nên bị chói (harshness) là khi ở dải tần số cao hay ở tần số cụ thể nào đó nghe quá nổi bật và khiến người nghe cảm thấy khó chịu. Khi gặp tình trạng này, chúng ta sẽ có nhiều cách xử lý khác nhau trong Mixing với mục đích là làm dịu lại sound, giúp nó trở nên cân bằng hơn trong bản phối.
Sử dụng EQ để giảm tần số bị chói
Đây được coi là cách làm phổ biến để xử lý âm thanh bị chói, đó là chúng ta sẽ sử dụng một plugin EQ với một dải tần hẹp để tìm quét những tần số gây chói. Thường tần số gây chói này sẽ nằm trong khoảng dải tần 2kHz – 8kHz. Trong quá trình quét, bạn có thể tăng độ dB của dải tần để giúp xác định được tần số chói được dễ hơn. Sau khi đã xác định được tần số bị chói, bạn sẽ giảm cường độ dB (cut EQ) ở khu vực ấy. Bạn giảm vừa đủ để âm thanh giảm bớt độ chói, tránh cut quá sâu sẽ khiến âm thanh bị mất tự nhiên.
Bạn có thể tham khảo gợi ý dưới đây với các dải tần thường gây chói giúp bạn kiểm tra dễ dàng hơn:
- 2kHz – 4kHz: Âm thanh của nhạc cụ và Vocal nghe bị sắc gây khó chịu
- 5kHz – 7kHz: Dải tần này thường gây mệt tai do có nhiều hài âm gây chói
- 8kHz – 10kHz: Dải tần này thường gây chói khi có nhiều những âm thanh sibilance (âm “s”, “t”, “ch”).
Sử dụng Reverb và Delay
Một cách khác giúp bạn xử lý âm thanh gây chói, đó là bạn sẽ sử dụng Reverb với một chút high cut sẽ giúp âm thanh tổng thể trở nên dịu hơn. Ngoài ra, kết hợp với Delay sẽ giúp âm thanh trở nên có thêm chiều sâu và làm loãng âm thanh gây chói (âm thanh gốc ban đầu).
Với Reverb và Delay, bạn sẽ khiến âm thanh gốc ban đầu trở nên nghe xa hơn, giúp âm thanh trở nên bớt chói hơn khi nó nghe ở xa hơn mà không làm mất đi độ sáng tự nhiên ban đầu của âm thanh ấy.
Sử dụng VST De-Esser để xử lý những âm “sibilance”
Một VST khác giúp xử lý những tần số gây chói đó là VST dạng De-Esser. Đây là một dạng compressor chuyên biệt, chỉ hoạt động trên các tần số cao (thường từ 4kHz đến 10kHz). Những âm thanh gây chói này được đặt tên là các âm sibilance – là những âm thanh “s”, “t”, “ch” gây chói. De-Esser thường dùng để giảm bớt những tần số gây chói với Vocal. Bạn sẽ xác định dải tần số cần giảm (thường là 4kHz – 10kHz đối với Vocal) và điều chỉnh threshold cho phù hợp.
Khi một âm thanh vượt quá ngưỡng (threshold) tại các tần số được chọn, De-Esser sẽ tự động giảm âm lượng của phần đó. Điều này làm giảm độ chói hoặc sibilance mà không ảnh hưởng đến toàn bộ tín hiệu. Mặc dù ban đầu De-Esser được tạo ra để xử lý giọng hát, ngày nay nó cũng được sử dụng cho các nhạc cụ hoặc âm thanh có dải tần số cao gây gắt.
Làm mềm âm thanh với Saturation
Một trong những cách giúp xử lý âm thanh bị chói khác đó là bạn sẽ sử dụng VST Saturation. Với VST này, bạn sẽ tạo thêm những hài âm (harmonics) và nó sẽ làm mềm những dải tần số cao (soft clipping).
Phương án dùng Saturation với những âm thanh chói thường được sử dụng khi bạn muốn âm thanh trở nên ấm hơn (do Saturation sẽ thêm màu “analog” giúp âm thanh nghe tự nhiên hơn). Âm thanh sẽ trở nên dày hơn và nổi bật hơn so với ban đầu.
Sử dụng Soothee giúp tự động làm dịu tần số gây chói
Có một VST rất hay giúp làm dịu tần số gây chói hay những tần số bị cộng hưởng khó chịu, đó là VST Soothee. Bạn có thể tham khảo bài viết này, chúng tôi đã hướng dẫn sử dụng VST rất chi tiết. Xem hướng dẫn
Tổng kết
Trên đây, HocFLStudio.com đã tổng hợp nhừng cách phổ biến giúp xử lý những âm thanh bị chói. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích các bạn. Xin chào và hẹn gặp lại.