Nhạc lý cơ bản

Hướng dẫn cách đặt hợp âm cơ bản cho một bài hát mới tinh

Xin chào các bạn, việc soạn hợp âm cho một bài hát tưởng chừng là dễ khi bạn có thể tham khảo các website đặt hợp âm. Tuy nhiên, nếu như bạn muốn đặt hợp âm cho một bài hát mới tinh hoặc bạn muốn đặt một vòng hợp âm mới cho bài hát bạn đang muốn làm, bạn sẽ cần học cách đặt hợp âm của riêng bạn. Ở bài viết này, hãy cùng HocFLStudio.com tham khảo cách làm cơ bản nhé.

Lưu ý trước khi học

Các bạn lưu ý, thực tế việc đặt hợp âm cho bài hát mới tinh hay thay một vòng hợp âm mới cho bài hát có sẵn, không phải là đơn giản. Để đặt hợp âm sao cho hay, bạn sẽ học nhiều nhạc lý hơn, nghiên cứu sâu hơn. Cách làm chia sẻ trong bài viết này chỉ đơn giản là cách làm của người viết, bạn nên tham khảo và học theo ở mức cơ bản nhé. Mình khuyên bạn tập luyện và tìm hiểu thêm thật nhiều nữa để làm sao đặt hợp âm mới sao cho hay và thú vị nhất.

Tìm điểm đặt hợp âm

Đầu tiên, bạn sẽ cần xác định được điểm đặt hợp âm đầu tiên của bài hát. Bạn lưu ý, hợp âm không phải lúc nào cũng rơi vào câu Vocal đầu tiên của bài. Thông thường hợp âm sẽ rơi vào phách mạch đầu tiên của Vocal. Có một mẹo là bạn có thể vừa nghe Vocal và vỗ tay theo để xác định được phách mạnh. Bạn hãy chú ý những điểm nhấn nhá của Vocal để xác định được tốt hơn điểm đặt hợp âm. Có thể bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi đặt hợp âm đầu tiên, nhưng ở hợp âm thứ 2 thứ 3 tiếp theo sẽ xác định dễ hơn và nếu bạn đã xác định được Tempo của bài rồi thì bạn sẽ suy ra được điểm đặt hợp âm đầu tiên của bài. Đây là thao tác cần nhiều kinh nghiệm và thực hành nhiều.

Xác định Tempo của bài

Để xác định được Tempo của một bài hát mới tinh thực ra cũng không quá khó. Bạn sẽ sử dụng công cụ Tap Tempo của FL Studio và bấm theo.

Khi đã xác định Tempo của bài thông qua công cụ này, bạn cần tự mình kiểm tra lại. Bạn sẽ Vocal bắt đầu từ điểm bắt đầu đặt hợp âm, và kiểm tra xem càng về sau Tempo này đã chuẩn chưa. Bạn có thể điều chỉnh thêm 1,2 bpm cộng trừ để kiểm tra chính xác Tempo của bài vì đôi khi việc Tap Tempo sẽ không được chính xác 100%. Bạn sẽ nghe theo tiếng gõ Tempo của FL Studio và xác định chính xác Tempo của bài. Hãy để ý việc bạn vỗ tay theo Vocal ở hướng dẫn ở trên cũng mô phỏng một chút Tempo của bài, vì thế nếu như ở trên bạn còn đang gặp khó khăn trong việc xác định điểm đặt hợp âm thì ở phần này sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc xác định nhé. Khi đã xác định được chính xác Tempo của bài và điểm đặt hợp âm đầu tiên, hãy điều chỉnh Tempo chính xác và giữ Alt kéo Vocal sao cho chuẩn điểm bắt đầu soạn hợp âm nhé.

Xác định Tone của bài

Giờ là giai đoạn bạn cần xác định được Tone của bài. Bạn cần kiểm tra nốt cuối cùng mà Vocal hát sẽ rơi vào nốt gì. Nếu như ở phần hát đầu tiên, ca sĩ có thể hát ở một nốt nào đó (có thể đó là tone gốc của bài hoặc khác) thì gần như chắc chắn, ở chữ cuối cùng Vocal hát ở cuối bài, đó chính là nốt thuộc tone gốc của bài. Bạn có thể sử dụng các công cụ như Tuner có sẵn trong FL Studio hoặc công cụ Newtone để xác định nốt đó.

Khi đã biết được nốt cuối cùng rồi, bạn sẽ cần xác định xem nó là âm giai trưởng hay âm giai thứ. Thông thường, bài hát vui sẽ có âm giai trưởng, bài hát buồn sẽ có âm giai thứ. Để kiểm tra chắc chắn hơn, bạn có thể thực hiện theo mẹo này. Đó là bạn sẽ soạn hợp âm trưởng hoặc thứ (theo âm giai bạn vừa xác định), và đặt nó vào nốt cuối cùng mà Vocal hát (xem hình), rồi bạn Play xem có hợp không nhé, nếu hợp âm trưởng nghe hợp lý hơn thì nhiều khả năng bài hát này thuộc âm giai trưởng, nếu bạn thấy hợp âm thứ nghe hợp lý hơn thì nhiều khả năng bài hát thuộc về âm giai thứ.

Bắt đầu soạn hợp âm

Giờ là lúc chúng ta sẽ bắt đầu soạn hợp âm. Trước khi soạn, hãy đảm bảo là bạn đã xác định Tempo chuẩn, âm giai của bài và kéo Vocal đúng điểm bắt đầu soạn hợp âm. Bạn nhớ là hãy bật Scale Highlighting lên để soạn nhé, chúng ta ban đầu sẽ chỉ nên soạn hợp âm cơ bản (gồm 3 nốt) và các nốt này đa phần sẽ nằm trong Scale của bài nhé.

a. Hợp âm đầu tiên

Thực tế một bài hát sẽ có nhiều cách đặt hợp âm, nhưng để cơ bản nhất dễ làm nhất, bạn hãy thử soạn hợp âm đầu tiên là y hệt âm giai mà bạn vừa xác định. Ví dụ như bài hát thuộc âm giai Gm, bạn có thể thử đặt hợp âm đầu tiên của bài là Gm. Thông thường thì nó nghe sẽ hợp luôn. Nếu bạn cảm thấy không hợp thì có thể là bạn xác định âm giai của bài chưa đúng, hoặc hợp âm đầu sẽ là một hợp âm khác. Cách cơ bản nhất, đó là bạn hãy xác định nốt đầu tiên của Vocal là gì, ví dụ nó là nốt G, thì hợp âm đoạn ý có thể sẽ là 3 phương án là 3 hợp âm có chứa nốt ấy. 3 phương án ấy có thể là nốt Vocal hát đó là nốt gốc, có thể ở giữa hoặc có thể là nốt ở trên cùng. Bạn hoàn toàn có thể thử để tìm ra hợp âm đầu tiên. Việc xác định hợp âm đầu tiên rất quan trọng, cần bạn luyện tập nhiều. Bạn cần xác định được hợp âm đầu tiên mà bạn cảm thấy ok, rồi mới chuyển sang hợp âm tiếp theo nhé.

b. Đặt và soạn hợp âm tiếp theo

Bạn đã biết được cách cơ bản nhất đó là nghe theo Vocal, xác định điểm soạn hợp âm tiếp theo và xác định nốt Vocal hát để thử. Bạn có thể sử dụng VST Tuner đặt vào Mixer của Vocal để xem gợi ý. Khi xác định được rồi bạn sẽ thử một trong 3 trường hợp để tìm ra hợp âm hợp lý tiếp theo. Hãy lưu ý là một vòng hợp âm muốn hay, nó cần phải nghe từ đầu tới cuối vòng hợp âm ấy. Một hợp âm sẽ không có ý nghĩa gì nếu như nó không đặt trong một vòng hợp âm nhất định. Vì thế hãy cảm nhận “câu chuyện” mà bạn đang tạo ra với vòng hợp âm của bạn nhé.

c. Thay các hợp âm đã xác định

Có rất nhiều trường hợp, bạn muốn thay hợp âm mà bạn vừa xác định ở cách trên. Vì không phải lúc nào, cứ đặt hợp âm có chứa nốt Vocal nó đã hay. Bạn có thể thay hợp âm ấy bằng một hợp âm khác là hợp âm song song với nó. Ví dụ bạn có thể thay hợp âm Đô trưởng bằng hợp âm La thứ vì đây là 2 hợp âm song song. Để xác định được các cặp hợp âm song song, bạn có thể tham khảo từ khoá “Vòng tròn bậc 5” nhé.

Một cách khác mà bạn có thể làm để thay các hợp âm đã xác định, đó là bạn có thể thử. Bạn hoàn toàn có thể thay các hợp âm khác dựa trên các nốt trong âm giai của bài, và nếu bạn thấy nó hợp trong vòng hợp âm của bạn thì bạn sẽ thay nhé chứ không nhất thiết là phải bám theo nốt của Vocal. Hãy nhớ hướng dẫn cũng chỉ là hướng dẫn, quan trọng là bạn cảm thấy hay và hợp nhé.

d. Kiểm tra

Một vòng hợp âm cơ bản thông thường sẽ gồm 4 hợp âm, nếu bạn muốn bạn cũng có thể soạn một vòng 8 hợp âm, hoàn toàn tuỳ thuộc vào bạn. Nhưng hãy kiểm tra nó trong suốt cả Vocal nhé. Có nhiều lúc bạn sẽ thấy sang để phần khác của Vocal, bạn sẽ lại cần soạn một vòng hợp âm khác. Việc soạn hợp âm cho bài hát mới là việc không hề đơn giản, đòi hỏi bạn phải kiểm tra kỹ và đã tập luyện trước rất nhiều. Bạn cũng lưu ý phần Bridge của bài thường sẽ có một vòng hợp âm khác. Hãy kiểm tra từ đầu tới cuối Vocal nhé.

Tổng kết

Như vậy mình đã hướng dẫn cho các bạn một cách rất cơ bản của việc soạn hợp âm cho bài hát mới tinh. Hãy nhớ đây là một bài tập khó. Bạn nên xem Clip kết hợp đọc bài viết này để soạn hợp âm được tốt hơn. Bạn cũng cần phải tự tập luyện rất nhiều. Bạn có thể tập bằng cách soạn một bài hát đã có sẵn, sau đó kiểm tra lại xem bạn đã xác định được đúng Tempo chưa, đúng âm giai chưa và hợp âm có điểm nào giống với hợp âm của bài hát gốc không. Điều quan trọng nhất, đó là nâng cấp tai của bạn liên tục và học nhạc lý liên tục, nó sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều nếu bạn muốn đặt hợp âm thật tốt. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho bạn, xin chào và hẹn gặp lại.

 

5/5 - (1 bình chọn)
Bình luận

Hiển Sàn

About Author

Mình là Đàm Vinh Hiển. Mình là một Producer tự do. Mình từng hợp tác và làm nhạc cho một số nghệ sĩ như ca sĩ Thu Thuỷ, rapper Robber, Winno (Hustlang), nhạc sĩ Phương Duy Anh (sáng tác ca khúc Giả vờ yêu) … Mình cũng từng được duyệt và phát hành một số bản Remix trên các nền tảng như Dzus Records, Hoa hồng dại, Nhaccuatui … Hiện mình cũng đang hợp tác với Song Đạt Media để tuyển dụng các Music Producer làm nhạc và tìm mua các bài nhạc chất lượng để phát hành. Hy vọng với kinh nghiệm của mình có thể giúp đỡ các bạn làm nhạc hay hơn nữa với FL Studio.

Bài viết liên quan

Nhạc lý cơ bản

Arpeggios là gì?

Trong quá trình làm nhạc, chắc chắn bạn sẽ bắt gặp từ Arp. Vậy Arp là gì và ứng dụng
Nhạc lý cơ bản

Các loại giọng hát trong thanh nhạc cổ điển

Về cơ bản giọng hát trong thanh nhạc cổ điển chia làm 4 giọng chính: Bass, Tenor, Contralto và Soprano.
Chat hỗ trợ
Chat ngay