Sáo là nhạc cụ thổi hơi có từ thời kỳ cổ đại, rất nhiều nước trên thế giới sử dụng sáo với nhiều hình dáng và cấu tạo có thể khác nhau. Ở Việt Nam sáo ngang rất thông dụng và có nhiều loại. Sáo ngang lúc đầu có 6 lỗ bấm cách đều nhau nhưng về sau không còn được sử dụng. Loại sáo ngang ngày nay có các lỗ bấm theo hệ thống thất cung (Do Re Mi Fa Sol La Si) với tên gọi khác nhau căn cứ vào âm trầm nhất mà sáo có thể phát ra.
Nguyên lí phát ra âm thanh
Khi ta thổi sáo, cột khí bên trong ống sáo bị dao động và phát ra âm thanh. Âm thanh đó cao (bổng) hay thấp (trầm) phụ thuộc vào khoảng cách từ miệng sáo tới lỗ mở mà ngón tay vừa nhấc lên.
*Lưu ý: thứ tự ngón được tính bắt đầu từ lỗ thổi (hiểu ngầm 0).
Sáu ngón tay bịt kín sáu lỗ, thổi nhẹ ra nốt Đô.
Mở tiếp ngón thứ sáu, thổi nhẹ ra nốt Rê.
Mở tiếp ngón thứ năm, thổi nhẹ ra nốt Mi.
Mở tiếp ngón thứ tư, thổi nhẹ ra nốt Fa.
Mở tiếp ngón thứ ba, thổi nhẹ ra nốt Sol.
Mở tiếp ngón thứ hai, thổi nhẹ ra nốt La.
Mở tiếp ngón cuối cùng, thổi nhẹ ra nốt Si.
Các loại sáo
Dựa theo cách thổi, sáo có thể phân thành hai loại: sáo ngang hoặc sáo dọc. Mỗi loại đều rất phong phú về thể loại tuỳ theo quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, phổ biến và đa dạng hơn vẫn là các loại sáo ngang.
Hiện nay, trên thế giới có một số loại sáo được thổi theo tư thế ngang với tên gọi như sau:
Piccolo: sáo nhỏ, có âm thanh rất cao.
Pipeau: sáo 6 lỗ đơn giản.
Syrinx: còn gọi là Sáo thần Păng hay sáo ống (pan flute), hình thức sáo ghép như khèn bè của các dân tộc Đông Nam Á.
Double flute: sáo đôi hay còn gọi là sáo kép, phải thổi hai cái một lúc.
Mirliton: sáo sậy trẻ con, đầu bịt vỏ mỏng của củ hành.
Galoubet: sáo có 3 lỗ.
Sáo ngang dùng trong dàn nhạc hiện nay có ba loại: sáo ngang tông Do (loại tiêu chuẩn), sáo ngang tông Re giáng (âm thanh cao hơn nốt viết ½ cung) và sáo ngang tông Mi giáng (âm thanh cao hơn nốt viết 1 cung ½). Sáo ngang tông Do được dùng trong dàn nhạc giao hưởng, hai loại sau thường dùng trong dàn kèn của Quân nhạc.
Về mặt kỹ thuật, sáo ngang là một thứ nhạc khí rất linh hoạt, chạy được tốc độ nhanh, đáp ứng nhiều lối viết nhạc khác nhau. Dùng sáo ngang rất tốn hơi, nên câu nhạc thường không viết quá dài và phải chú ý dành chỗ lấy hơi.
Các tông của sáo
Sáo được chế tạo với nhiều tông (tone) khác nhau. Các tông của sáo được liệt kê theo thứ tự từ cao đến thấp như sau:
Tần âm cao
Sol cao(G5)
Fa cao (F5)
Mi cao (E5)
Tần âm trung
Re cao (D5)
Do thăng cao/ Re giáng cao (C#5/Db5)
Do trung (C5)
Si (B4)
Si giáng/La thăng (Bb4 hoặc A#4)
Tần âm trầm
La trầm (A4)
La giáng trầm/Sol thăng trầm (Ab4 hoặc G#4)
Sol trầm (G4)
Sol giáng trầm/Fa thăng trầm (Gb4 hoặc F#4)
Fa trầm (F4)
Mi trầm (E4)
Mi giáng trầm (Eb4)
Re trầm (D4)
Re giáng trầm/Do thăng trầm (Db4 hoặc C#4)
Do trầm (C4)
Tần âm siêu trầm
Si trầm (B3)
Si giáng trầm/La thăng trầm (Bb3 hoặc A#3)
La trầm (A3)
Sol trầm (G3)
Các tông cao hơn hoặc thấp hơn vẫn có thể chế tạo nhưng rất hiếm khi được sử dụng.
Nguồn: Wiki