Hướng dẫn sử dụng Limiter FabFilter Pro L2 đơn giản, hiệu quả trong Mastering
Hiển Sàn
07/06/2024
0
Bình luận
442 Lượt xem
Như chúng ta đã biết, FabFilter L2 là một trong những Limiter tốt nhất, trực quan nhất và được rất nhiều người sử dụng trong Mastering giúp tối ưu âm lượng. Mặc dù vậy, những bài viết hướng dẫn sử dụng L2 vẫn còn chưa nhiều và chưa dễ tiếp cận đối với nhiều người. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng hiểu rõ hơn về Limiter L2 này và giúp chúng ta Mastering tốt hơn nhiều nhé.
Cách sử dụng FabFilter Pro L2 thực ra vô cùng dễ dàng, bạn chỉ cần đưa nó vào trong cột Master của bảng Mixer, sau đó tăng núm vặn Gain (âm lượng đầu vào) lên cho đến khi đạt được mức độ to ưng ý. Với những cài đặt thông số mặc định ban đầu đã có thể giúp chúng ta tối ưu được âm lượng bài nhạc một cách rất dễ dàng. Tất nhiên bạn sẽ còn cần tìm hiểu thêm về những từ khóa như Mixing, Headroom, Attack, Release, LUF … để có thể sử dụng L2 một cách dễ dàng hơn. Những từ khóa này đã được viết ở khá nhiều bài viết trong HocFLStudio.com các bạn có thể tìm kiếm và tham khảo nhé.
Style là gì và nên lựa chọn thế nào?
Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu đi sâu hơn một chút, các bạn có thể để ý đến mục Style ở góc trái của L2. FabFilter Pro L2 đã cung cấp cho chúng ta 8 lựa chọn bao gồm Modern, Transparent, Punchy, Dynamic, Allround, Aggressive, Bus, Safe. Cả tám lựa chọn này đều sẽ giúp bạn đạt được độ to mà bạn mong muốn, việc lựa chọn phong cách nào phụ thuộc vào hiệu ứng nghe mà bạn mong muốn. Một số lựa chọn giúp bài nhạc sạch nhất có thể, một số lại giúp bài nhạc sau khi limiting có thêm sức mạnh. Đại đa số đều để mặc định là Modern, nhưng bạn có thể điều chỉnh với gợi ý sau
Transparent
Như tên gọi của nó (trong suốt), lựa chọn phong cách này giúp cho bài nhạc sau khi được Limiting vẫn giữ được như nguyên bản nhiều nhất có thể, hạn chế hiệu ứng pumping và thêm màu. Đây là lựa chọn hợp với những thể loại như Rock hay Pop
Punchy
Đây là lựa chọn giúp bài nhạc trở nên sôi động hơn với một chút hiệu ứng pumping và sẽ có thêm một ít màu vào bài nhạc. Lựa chọn này sẽ giúp bài nhạc trở nên mạnh mẽ hơn nhưng vẫn khá an toàn, nó vẫn giảm thiểu hiện tượng distortion và rất hiệu quả với những single track như Vocal, Bass hay Guitar
Dynamic
Bằng cách tăng cường các transient (tạm dịch phần đầu của âm thanh) trước khi limiting, thuật toán này giúp bảo toàn được Dynamic ban đầu của bài nhạc. Lựa chọn này rất phù hợp với nhạc Rock
Allround
Lựa chọn này hoạt động tốt trong hầu hết các thể loại nhạc, nó giúp cân bằng giữa độ lớn và sự bảo toàn ban đầu của bài nhạc trước và sau khi limiting.
Aggressive
Đây là một lựa chọn giúp bài nhạc trở nên mạnh mẽ, rất phù hợp với các thể loại như EDM, nhưng cũng phù hợp cho các thể loại như Rock, Metal, Pop
Modern
Đây là lựa chọn mặc định trong L2, nó phù hợp với các tiêu chuẩn mới hiện nay về limiting. Modern giúp bài nhạc đạt độ to rất lớn trong khi nghe vẫn rất sạch và tự nhiên. Lựa chọn này rất hợp với các thể loại nhạc như EDM hiện đại.
Bus
Lựa chọn này phù hợp cho công đoạn Bus Processing hay những track đơn lẻ, giúp kết dính các sound lại
Safe
Lựa chọn này không tạo ra hiệu ứng distortion. Lựa chọn này phù hợp cho các bài nhạc nhẹ nhàng hay thể loại nhạc cổ điển.
Sau khi đã nắm rõ các Style khác nhau của L2, các bạn chỉ cần xác định xem bài nhạc của mình là thể loại nhạc này và thử nghiệm các Style phù hợp là đã có thể giúp Limiting trở nên tốt hơn nhiều so với chỉ sử dụng Modern ở chế độ Style mặc định ban đầu.
Oversampling là gì và tại sao bạn nên bật?
Chúng ta sẽ tiến đến một tùy chọn nữa trong L2, đó là tính năng Oversampling. Mặc định thì tính năng này sẽ để Off. Tính năng Oversampling giúp tăng quá trình lấy mẫu của L2 ở tần số cao hơn nhiều so với tần số lấy mẫu ban đầu. Oversampling giúp giảm méo tiếng và cải thiện chất lượng Limiting lên nhiều. Nhược điểm của tính năng này đó là nó sẽ tốn nhiều yêu cầu xử lý CPU hơn. Do đó, để sử dụng tính năng này hiệu quả, chúng tôi khuyên bạn nên Mastering ở một Project riêng để tránh xung đột máy tính khi làm chung với Project Arrangement và Mixing.
Việc xử lý tín hiệu tần số lấy mẫu cao hơn của Oversampling giúp L2 hoạt động mượt mà hơn và chính xác hơn. Ở các mức cao hơn như 8x hay 16x sẽ yêu cầu tài nguyên CPU nhiều hơn nhưng nó cũng giúp cho Limiting được xử lý trung thực hơn và độ chính xác cao hơn so với ở các mức 2x và 4x.
True Peak Limiting là gì?
Một tính năng khác của L2 mà bạn cũng nên bật đó là True Peak Limiting. Đây là một kỹ thuật giúp âm thanh được xử lý được đảm bảo rằng mức đỉnh thực của tín hiệu không vượt qua mức đã xác định. Điều này rất quan trọng giúp tránh hiện tượng distortion và clipping khi được phát tại các hệ thống âm thanh kỹ thuật số. Đây là một tính năng rất quan trọng trong Mastering, nó sẽ giúp âm thanh của bạn không bị vỡ khi phát ở các thiết bị nghe nhạc bên ngoài như loa, tai nghe khác …
Khi không bật tính năng này lên, có thể khi xử lý Mastering trên hệ thống kỹ thuật số, tín hiệu nghe đã rất tốt. Tuy nhiên, trong thực tế sau khi đã Mastering, bài nhạc được nghe ở bên ngoài đến với tai người nghe thực tế, có thể vẫn sẽ xuất hiện các đỉnh không mong muốn, khiến âm thanh bị distor và clipping. Do đó, hầu hết các trường hợp khi Mastering, bạn nên bật tính năng này lên.
Lookahead, Attack, Release là gì?
Giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về Lookahead, Attack, Release trong mục Advance.
Lookahead
Đây là tính năng giúp L2 có thể “dự đoán được tương lai” của tín hiệu mà sẽ áp dụng Limit trước khi chúng chạm các đỉnh tín hiệu. Điều này giúp giảm thiểu hiện tượng clipping bằng cách đảm bảo limit được áp dụng đủ sớm (chủ yếu ở phần transient) để giúp các đỉnh tín hiệu không vượt quá ngưỡng cho phép. Với Lookahead càng thấp, nó sẽ giúp bảo toàn được Dynamic nhưng cũng dễ gây rè tiếng. Với Lookahead càng cao sẽ “hy sinh” nhiều dynamic hơn nhưng giảm hiệu ứng rè tiếng tốt hơn
Thông thường, khi bạn đặt giá trị lookahead thấp hơn, âm lượng sẽ nghe to hơn. Điều này là do thời gian dự đoán ngắn hơn sẽ giúp bảo tồn được transient tốt hơn và giúp Dynamic bài nhạc được bảo toàn tốt hơn. Khi thời gian “lookahead” ngắn, Limiter sẽ không có nhiều thời gian để phản ứng trước các đỉnh tín hiệu âm thanh, nên sẽ có xu hướng giữ lại transient ban đầu và cho phép các đỉnh này được chạm giới hạn một cách nhanh chóng. Điều này giúp âm thanh to hơn nhưng ngược lại cũng khiến tăng nguy cơ méo tiếng hơn.
Attack và Release
Nếu như Style và Lookahead sẽ tác động nhiều đến giai đoạn Transient của Limit, thì Attack và Release sẽ tác động đến giai đoạn Release của tín hiệu. Attack và Release là hai tính năng giúp L2 tham gia xử lý âm thanh ở giai đoạn “Release” sau khi các “Transient” đã được xử lý, giúp âm thanh trở lại mức âm lượng trung bình một cách mượt mà và tự nhiên. Thời gian Attack ngắn sẽ giúp giai đoạn “release” bắt đầu sớm hơn, thời gian Release dài sẽ khiến nó có tác động lớn hơn.
Về cơ bản, thời gian Attack ngắn và Release dài sẽ an toàn và sạch sẽ hơn, nhưng cũng có thể gây ra hiện tượng Pumping và âm thanh giảm sự rõ ràng. Ngược lại, thời gian Attack dài và Release ngắn có thể giúp tăng độ lớn và sự rõ ràng, nhưng cũng khiến âm thanh dễ bị méo tiếng hơn.
Kiểm tra màu của Limiter với Output 1:1
Một tính năng khá hữu ích của L2 đó là Output 1:1, bạn có thể kích hoạt nó ở góc phải màn hình. Đây là tính năng giúp âm lượng tín hiệu đầu vào và đầu ra được giữ nguyên, nhờ vậy bạn sẽ nghe được tốt hơn cách mà Limiter tác động đến bài nhạc. Ngoài ra, tính năng này cũng giúp giữ nguyên Dynamic của bài nhạc khi Limiting, từ đó giúp chúng ta nghe được tốt hơn “màu” mà Limiter tác động. Đây chính là một phần quan trọng trong việc sử dụng cài đặt “output 1:1”. Dù Limiter lúc này không làm thay đổi Dynamic của tín hiệu, nhưng nó vẫn có thể tác động đến màu sắc và đặc tính của âm thanh. Ví dụ với các Style khác nhau trong Limiter sẽ tạo ra các hiệu ứng khác nhau.
Output True Peak nên để -0.1 dB
Đây là một trong những kỹ thuật được nhiều Producer sử dụng khi Mastering. Khi để Output true peak ở mức -0.1 dB, bạn sẽ hạn chế tối đa các sai số có thể xảy ra khi chuyển đổi hoặc phát lại, tránh để bị nhạc bị clipping. Ngoài ra, bạn cũng tạo thêm một headroom trong quá trình chuyển đổi giữa các định dạng âm thanh khác nhau hay khi nén âm thanh (ví dụ từ Wav sang Mp3), hẹn chế sự tăng đột biến (inter – sample peaks) khiến tín hiệu vượt quá 0 dB. Với mức True Peak ở mức -0,1 dB cũng giúp bài nhạc ổn định hơn khi phát trên nhiều thiết bị nghe nhạc khác nhau.
Bật tính năng Loudness giúp đo độ ồn
Một tính năng nữa giúp L2 có thể giúp bạn kiểm tra được độ lớn của bài nhạc đó là Loudness. Để bật tính năng này, ở góc phải, bạn lựa chọn Loudness như hình. Lúc này, sẽ có một thang đo mới được hiện ra giúp bạn đo độ ồn của bài nhạc sau khi được Limiting. Để hiểu hơn về Loudness là gì và mức LUFS phù hợp, bạn xem bài viết chi tiết này nhé
Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu sâu hơn về VST Fab Filter Pro L2. Bài viết này đã tóm lược và giải thích một cách dễ hiểu nhất và hiệu quả nhất về chiếc Limiter này. Hy vọng, với bài viết này, sẽ giúp bạn Mastering được tốt hơn. Xin chào và hẹn gặp lại.
Mình là Đàm Vinh Hiển. Mình là một Producer tự do. Mình từng hợp tác và làm nhạc cho một số nghệ sĩ như ca sĩ Thu Thuỷ, rapper Robber, Winno (Hustlang), nhạc sĩ Phương Duy Anh (sáng tác ca khúc Giả vờ yêu) … Mình cũng từng được duyệt và phát hành một số bản Remix trên các nền tảng như Dzus Records, Hoa hồng dại, Nhaccuatui … Hiện mình cũng đang hợp tác với Song Đạt Media để tuyển dụng các Music Producer làm nhạc và tìm mua các bài nhạc chất lượng để phát hành. Hy vọng với kinh nghiệm của mình có thể giúp đỡ các bạn làm nhạc hay hơn nữa với FL Studio.