Kiến thức âm nhạc

Gợi ý cách làm Home Studio cơ bản cho producer làm nhạc

Chào các bạn, sau khi làm nhạc được một thời gian, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng ước mơ có 1 căn phòng làm nhạc thật tiện lợi cho riêng mình. Mặc dù vậy, không phải ai cũng có ngân sách đủ để thực hiện được tất cả những gì chúng ta mong ước. Dưới đây là bài viết chia sẻ gợi ý cho bạn cách làm Home Studio siêu cơ bản, giúp bạn có thể cơ bản có được góc làm nhạc hiệu quả cho riêng mình.

Máy tính

Thiết bị đầu tiên bạn cần phải có, đó là một chiếc máy tính. Chiếc máy tính của bạn có thể là PC hoặc Laptop, nhưng nó cần đảm bảo đủ hiệu năng cho việc làm nhạc. Bạn có thể tham khảo các mẫu máy tính mới, cấu hình tốt, tuy nhiên điều bạn cần quan tâm nhất khi có một chiếc máy tính, đó là sự phù hợp. Mua một chiếc máy tính không phải cứ nói mua là được, càng không phải mua xong dùng một thời gian rồi lại thôi. Khi bạn muốn mua một chiếc máy tính tốt để làm nhạc, bạn cần xác định rõ mục đích đó là lâu dài và nó sẽ theo bạn trong một thời gian. Suy nghĩ được như vậy, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Thực tế là có rất nhiều producer và người nổi tiếng, đã làm ra được những bài nhạc Hot chỉ với những chiếc máy tính rất yếu. Do đó, hãy cân nhắc kỹ trước khi mua máy tính. Nếu như bạn còn là học sinh sinh viên, bạn có thể chỉ cần mua một chiếc máy tính cũ. Ngược lại, nếu bạn xác định sẽ làm lâu dài và nó còn phục vụ nhiều mục đích khác nữa như làm Clip, chỉnh sửa ảnh, học tập … thì bạn nên đầu tư nhiều để có chiếc máy tính chất lượng.

DAW

 

DAW là phần mềm bạn lựa chọn để làm nhạc. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ chỉ nhắc tới FL Studio. Khi sử dụng bất kỳ phần mềm nào, dù là FL Studio hay DAW khác, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng. Như các bài viết trước đây, HocFLStudio.com luôn khuyên bạn phải tìm hiểu kỹ. Bạn có thể chỉ cần sử dụng bản dùng thử của FL Studio, để chắc chắn liệu đây có phải là phần mềm làm nhạc phù hợp với bạn. Khi đã xác định được, đây là phần mềm làm nhạc hợp với bạn, và bạn sẽ làm việc nhiều với nó, thì bạn nên mua FL Studio bản quyền. Có những lý do rất chính đáng, ví dụ như bạn sẽ chỉ tốn tiền một lần để mua FL Studio và sở hữu nó trọn đời. Ngoài ra, với những phiên bản FL Studio mới nhất, bạn sẽ mở được những project mới và có được những tính năng mới nhất. Tuy nhiên, hãy nhớ, bạn cần phải tìm hiểu kỹ về nó, và sẽ có rất nhiều kiến thức xung quanh phần mềm này.

Tai kiểm âm

Đây là một thiết bị rất quan trọng trong quá trình làm nhạc. Chiếc tai kiểm âm sẽ giúp bạn rất nhiều, đặc biệt là ở khâu chọn Sound, Mixing và Master. Thông thường, tai kiểm âm sẽ chia làm 2 loại, tai nghe đóng (closed-back) và tai nghe mở (open-back). Vậy 2 loại tai nghe này khác nhau ở điểm nào? Tai nghe đóng có củ tai là một khối kín, liền mạch không có khe hở ở phía sau. Ngược lại, tai nghe mở có phần củ tai có nhiều khe hở hoặc lỗ hổng. Tai nghe đóng có khả năng cách âm rất tốt, nó giúp đảm bảo âm thanh từ tai nghe không lọt ra bên ngoài, và bạn cũng sẽ hạn chế nghe được những tiếng ồn ở bên ngoài. Nói một cách dễ hiểu, khi bạn đeo tai nghe đóng, bạn gần như giống một người điếc với môi trường xung quanh. Ngược lại, nhờ những khe hở ở củ tai, tai nghe mở sẽ cho bạn cảm giác nghe thoáng đãng, rộng rãi. Thay vì có cảm giác âm thanh ở trong đầu như tai nghe đóng, thì tai nghe mở cho bạn cảm giác âm thanh đang ở xung quanh mình. Điểm yếu của tai nghe mở đó là khả năng cách âm kém, khi đeo tai nghe mở, bạn vẫn có thể nghe được những tiếng ồn ở xung quanh. Thậm chí, nếu bạn bật nhạc to, người xung quanh vẫn có thể nghe được âm thanh trong tai nghe của bạn. Việc lựa chọn tai nghe đóng và tai nghe mở hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích sử dụng của bạn. Thông thường, tai nghe đóng sẽ rất tốt cho thu âm, sử dụng ở những nơi ồn ào, tai nghe mở thì lại rất tốt cho Mixing, phù hợp những nơi yên tĩnh.

Soundcard

Thực ra về cơ bản, bạn có thể nghĩ là bạn cần hoặc không cần soundcard cũng được. Nhưng nếu bạn muốn làm nhạc hay hơn, bạn nên sở hữu một chiếc soundcard. Soundcard giúp bạn kết nối được các thiết bị như Micro, tai kiểm âm, loa kiểm, nhạc cụ … vào máy tính. Có nhiều tai kiểm âm mà để kết nối được với máy tính, bạn sẽ cần cắm nó qua soundcard. Khi bạn thu âm, hoặc chơi Midi, để giảm độ trễ, bạn cũng sẽ cần chiếc soundcard để hỗ trợ điều này. Bạn có thể tham khảo một chiếc soundcard rất nổi tiếng, đó là Scarlett focusrite 2i2 có giá vào khoảng 4 triệu.

Midi

Trên thực tế, là bạn hoàn toàn có thể làm nhạc mà không cần Midi. Có rất nhiều producer làm nhạc mà chỉ cần thao tác chuột và bàn phím. Mặc dù vậy, có rất nhiều bài nhạc, nếu sử dụng Midi, bài nhạc sẽ có hồn hơn rất nhiều. Hơn thế nữa, nếu bạn biết chơi đàn, thì một chiếc Midi là rất cần thiết để hỗ trợ bạn. Có nhiều loại Midi khác nhau, bạn nên lựa chọn loại Midi hợp lý cho mình, có thể là loại Midi 25 phím nhỏ gọn, hoặc là loại Midi 61 phím … Nhưng hãy nhớ, bạn không nên mua Midi chỉ vì bạn thấy nó ngầu, rồi bạn mua và để đấy. Bạn hoàn toàn có thể làm được nhạc mà không cần Midi. Và nếu đã mua Midi, bạn hãy cố gắng tập đàn đủ để bạn sản xuất âm nhạc, đó là cách sử dụng hiệu quả nhất.

Micro

Micro cũng là một thiết bị cần thiết cho home studio của bạn. Bạn có thể có giọng hát không quá tốt, nhưng nếu bạn sản xuất âm nhạc, mà bạn có làm cả sáng tác nữa, thì bạn có thể sẽ cần nó để gửi demo cho ca sĩ. Hoặc bạn sẽ cần Micro tương đối tốt, để bạn thu các ca khúc tự mình thể hiện tại nhà. Có rất nhiều nghệ sĩ đang sản xuất âm nhạc của mình tại chính căn phòng của họ. Bạn lưu ý, khi đã mua Micro, bạn hãy chú ý về cách set up phòng ốc sao cho cách âm nhất có thể. Bạn cũng có thể cần tấm pop filter để lọc các tiếng không mong muốn khi thu âm. Chiếc Micro giá càng cao thì chất lượng lại càng tốt, tuy nhiên, hãy hiểu rằng Home Studio của bạn sẽ khó có thể so sánh được với những phòng thu chuyên nghiệp và chất lượng, vì thế hãy đầu tư hợp lý để tránh lãng phí.

Loa

Một sự thật đau lòng, đó là dù bạn có mua loa kiểm âm xịn đi nữa, mà phòng của bạn không đáp ứng được yêu cầu, thì nó cũng chỉ là một chiếc loa bình thường. Mà để set up được một phòng đạt đủ yêu cầu, sẽ tốn rất nhiều chi phí. Vì thế, bạn nên mua chiếc loa đủ tốt là được. Khi làm nhạc nhiều, tai bạn sẽ mệt rất nhanh, và sẽ khó lòng bạn làm việc liên tục chỉ với tai kiểm âm. Do đó, có thể trong những giai đoạn như lên ý tưởng, sắp xếp bố cục … bạn có thể sử dụng loa để làm việc. Loa cũng giúp cho bạn cảm nhận không gian của bài nhạc được tốt hơn. Một điểm nữa là khi Mixing hay Master, bạn cũng rất cần nhiều trang thiết bị để kiểm tra bài nhạc của mình chứ không chỉ là mỗi một chiếc tai nghe kiểm âm. Nhưng hãy nhớ, nếu phòng của chúng ta chỉ là căn phòng bình thường thôi, thì không nên đầu tư quá nhiều tiền cho chiếc loa kiểm âm, bạn nên dành số tiền ấy để mua tai kiểm âm hoặc thậm chí là các sample hay VST chất lượng.

Phòng làm việc

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta hãy hiểu để xây được một studio thực sự, đạt đủ tiêu chuẩn sẽ là vô cùng tốn kém. Đó là mức chuyên nghiệp, là tiêu chuẩn cao, và chúng ta sẽ chỉ là những home studio nghiệp dư thôi. Vì thế, việc thiết thực nhất bạn có thể làm, đó là làm sao để phòng bạn cách âm tốt nhất có thể. Bạn có thể sử dụng rèm quanh phòng, hoặc mua các tấm xốp và dán lên. Việc set up phòng thực tế còn phải phụ thuộc vào gia đình, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác vì phòng đó không phải chỉ để làm nhạc mà còn là nơi sinh hoạt của bạn. Thậm chí, nếu như bạn không thể thay đổi được nhiều, thì cũng không sao hết. Bạn có thể vẫn làm việc được, vẫn làm nhạc được, đừng để những điều ấy làm cản sự sáng tạo và đam mê của bạn. Một điểm nữa, đó là hãy tìm cho mình niềm cảm hứng trong phòng làm việc ấy. Có thể là chiếc cửa sổ, khi bạn nghĩ ý tưởng bạn sẽ pha một ly nước và nhìn ra ngoài, để tìm kiếm những cảm hứng. Hoặc thậm chí là chiếc bể cá hay là chiếc ghế sofa cùng cây guitar. Những cảm hứng đó sẽ giúp bạn dễ dàng sáng tạo trong âm nhạc.

Tổng kết

Trên đây, chỉ là những nội dung hết sức cơ bản, giúp bạn tự set up được home studio cho riêng mình. Điều quan trọng nhất mà bài viết muốn chuyển tải, đó là bạn cần phải nghiên cứu kỹ từng thứ, trước khi mua sắm và đầu tư. Hãy trang bị cho mình những trang thiết bị tốt nhất có thể, nhưng đừng để chúng làm cản bước sự phát triển của bạn. Nhạc của bạn sẽ hay, hoàn toàn phụ thuộc vào niềm cảm hứng và đam mê của bạn. Đó là điều quan trọng nhất.

 

5/5 - (1 bình chọn)
Bình luận

Hiển Sàn

About Author

Mình là Đàm Vinh Hiển. Mình là một Producer tự do. Mình từng hợp tác và làm nhạc cho một số nghệ sĩ như ca sĩ Thu Thuỷ, rapper Robber, Winno (Hustlang), nhạc sĩ Phương Duy Anh (sáng tác ca khúc Giả vờ yêu) … Mình cũng từng được duyệt và phát hành một số bản Remix trên các nền tảng như Dzus Records, Hoa hồng dại, Nhaccuatui … Hiện mình cũng đang hợp tác với Song Đạt Media để tuyển dụng các Music Producer làm nhạc và tìm mua các bài nhạc chất lượng để phát hành. Hy vọng với kinh nghiệm của mình có thể giúp đỡ các bạn làm nhạc hay hơn nữa với FL Studio.

Bài viết liên quan

Kiến thức âm nhạc

Đàn Piano – Vua của các loại nhạc cụ

Đàn Piano là một trong những nhạc cụ gần gũi nhất với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Ở
Kiến thức âm nhạc

Guitar và các loại Guitar thông dụng

Guitar là một loại nhạc cụ vô cùng ưa chuộng của Việt Nam và thế giới. Gần như bạn nam
Chat hỗ trợ
Chat ngay