Tôi cần những công cụ gì, bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm, để có thể bắt đầu làm ra sản phẩm âm nhạc đầu tiên cho riêng mình ? Bài viết này mình hi vọng sẽ giúp bạn giải đáp phần nào câu hỏi này.
Sự trỗi dậy của những nhà sản xuất âm nhạc trong … phòng ngủ – Bedroom Producers
Cùng nhau đi ngược dòng thời gian về những năm 60 hay 70 của thế kỉ trước, bất kì ca khúc hay Album chuyên nghiệp nào mà bạn nghe trên top các bảng xếp hạng cũng đều được sản xuất trong các phòng thu studio kiểu như thế này: được xếp một cỗ bàn analog mixer to tổ chảng, các máy thu băng từ (Tape Recorder), những chiếc kệ chất đầy các thiết bị Equalizer, Compressor, Preamplifier hay Analog Synthesizer – một không gian đầy ắp những thiết bị và dụng cụ rất đắt tiền thường được sở hữu và vận hành bởi cả một hãng ghi âm (record label) chứ hiếm khi thuộc về chỉ 1 cá nhân nào. Để xây dựng 1 studio như vậy cần đầu tư trong khoảng từ $50,000 lên đến cả triệu đô (!)
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong vòng 20 năm trở lại đây, với sự ra đời của phần mềm làm nhạc (Digital Audio Workstation – hay còn được viết tắt là DAW), sự nở rộ của máy tính bàn và laptop cá nhân, cùng với sự xuất hiện của nhiều mẫu mã thiết bị phòng thu nhắm vào các phân khúc bình dân, giờ đây chúng ta không khó để tìm ra những sản phẩm âm nhạc làm mưa làm gió bảng xếp hạng nhưng lại được sản xuất trong … phòng ngủ của tác giả, trên những thiết bị mà có lẽ tổng giá trị không bằng một cái móng tay nếu so với các phòng thu hay studio chuyên nghiệp. Hiện tượng này phổ biến hơn trong dòng nhạc điện tử (ví dụ Dubstep) hoặc các dòng nhạc dùng nhiều sample có sẵn như Lo-fi Hiphop. Một ví dụ cụ thể là Skrillex, DJ/producer nổi tiếng thế giới tiên phong dòng nhạc Dubstep với vô số bản hit, làm nhạc chỉ dùng 1 chiếc laptop và 1 cặp tai nghe headphone.
Một ví dụ khác các bạn có thể xem trong video sau đây. Lauv, một nghệ sĩ ưa thích của tác giả bài viết, ghi lại quá trình anh sản xuất ca khúc Paris in the Rain. Các bạn có thể dễ dàng thấy anh ta đang làm nhạc trong phòng riêng với một setup khá đơn giản: laptop, soundcard, loa kiểm âm, đàn MIDI Keyboard và micro thu âm.
Đương nhiên cả 2 ví dụ trên đều là những nghệ sĩ mà bản thân họ cũng là những music producer rất tài ba, có óc sáng tạo và biết tận dụng triệt để tính năng của những công cụ mà họ có trong tay. Nhưng không thể phủ nhận rằng ở thời điểm hiện tại, nếu bạn muốn bắt đầu ước mơ trở thành một producer, bạn có thể bắt đầu ngay bây giờ chỉ với một sự đầu tư không quá lớn. Trong phần tiếp theo của bài viết, mình sẽ liệt kê những thiết bị và phần mềm tối thiểu để bạn có thể trở thành một bedroom producer nhé !
Các thiết bị và phần mềm cần thiết để bắt đầu làm nhạc
1. Máy tính cá nhân
Có thể là máy tính bàn hoặc laptop đều được. Máy tính là nơi bạn sẽ cài phần mềm làm nhạc (Digital Audio Workstation – DAW), kết nối các thiết bị ngoại vi phục vụ thu âm như soundcard, micro thu âm hay đàn MIDI cũng như lưu trữ các file project, âm thanh.
Ở Việt Nam mình thấy nhiều người dùng máy Windows để làm nhạc, tuy nhiên các dòng máy Mac cũng là sự lựa chọn rất tuyệt vời. Cả Windows và Mac theo mình thấy đều có những điểm mạnh riêng khi dùng để sản xuất nhạc. Có thể kể đến là với Windows thì sự lựa chọn về các nhạc cụ giả lập / hộp tiếng (Virtual instruments hay VST) và Plugin nhỉnh hơn một chút về độ đa dạng, còn với Mac thì công đoạn cài đặt kết nối các thiết bị ngoại vi như soundcard dễ dàng hơn Windows rất nhiều – gần như chỉ cắm vào và dùng luôn chứ không cần cài phần mềm Driver như trên Windows. Ngoài ra khi lắp máy Windows thì khả năng thay thế, nâng cấp từng phần cũng cao hơn là các dòng máy Mac. Đổi lại là bạn phải nắm khá rõ về phần cứng (nếu tự chọn phụ kiện lắp ráp) để tránh việc lắp ráp một chiếc máy gặp vấn đề nghẽn cổ chai, trong khi đó mỗi chiếc máy Mac được sản xuất ra tuy hạn chế về khả năng nâng cấp nhưng đều đã được tối ưu hoá để đảm báo phần cứng hoạt động ăn ý với nhau nhất.
Khi lựa chọn máy tính cho việc làm nhạc hay phòng thu studio, bạn nên ưu tiên đầu tư cho CPU đa nhân và tốc độ xử lý cao, RAM càng nhiều càng tốt, ổ cứng lưu trữ nếu khả năng cho phép nên đầu tư SSD thay vì HDD. Card màn hình trừ phi bạn còn dùng máy để chơi game hay làm đồ hoạ thì không cần đầu tư nhiều làm gì, đa số trường hợp dùng luôn Card màn hình tích hợp Onboard là đủ.
2. Phần mềm làm nhạc (Digital Audio Workstation)
Phần mềm làm nhạc (Digital Audio Workstation – viết tắt DAW) có thể nói là phát minh làm thay đổi cục diện của sân chơi làm nhạc. Bạn có thể hiểu nó như là một phòng thu studio chuyên nghiệp được gói gọn vào dạng phần mềm trên chiếc màn hình laptop của bạn vậy. Với DAW, bạn có thể thực hiện tất cả các công đoạn trong sản xuất nhạc từ việc thu âm nhiều track, hoà thanh phối khí, sắp xếp bố cục bài hát, sound design hay mixing & mastering một cách rất trực quan. DAW là sự thay thế cho chiếc bàn analog mixer, máy thu âm băng từ (Tape recorder) và vô số các thiết bị truyền thống khác trong phòng thu như Equalizer hay Compressor. Chính vì khả năng thay thế cho rất nhiều thiết bị vật lý đắt tiền này mà nó giúp cho việc làm nhạc trong 1 số trường hợp chỉ với 1 chiếc laptop trở thành một hiện thực trong thời đại ngày nay.
Các phần mềm làm nhạc chuyên nghiệp phổ biến nhất có thể kể đến Cubase, Logic Pro X, FL Studio, Ableton, Reason, Studio One hay ProTools. Một số phần mềm hỗ trợ cả 2 hệ điều hành Windows và Mac như Ableton hay ProTools. Trong khi 1 số khác chỉ có trên Windows (Cubase & FL Studio) hoặc Mac (Logic Pro X). Những phần mềm này có giá dao động trong khoảng từ $200 đến $500 và thường đi kèm sẵn các bộ nhạc cụ giả lập VST (hay còn gọi là hộp tiếng) và các plugin FX và mixing / mastering như Equalizer, Compressor, vân vân … Ngoài ra cũng có 1 số phần mềm DAW miễn phí như REAPER hay Cakewalk cũng không hề thua kém nhiều các đối thủ thu phí nêu trên. Điểm yếu lớn nhất của những phần mềm miễn phí này có lẽ là các hộp tiếng và plugin tích hợp sẵn không được mạnh mẽ và nhiều tính năng, tuỳ chỉnh như các phần mềm DAW trả phí.
3. Soundcard (Audio Interface)
Thiết bị ngoại vi quan trọng nhất trong setup làm nhạc tại nhà của chúng ta là một chiếc card âm thanh cắm ngoài hay còn gọi là Soundcard. Về cơ bản, soundcard là thiết bị có nhiệm vụ xử lý âm thanh, chuyển hoá thông tin âm thanh từ tín hiệu điện (analog) thành tín hiệu số (digital) và ngược lại. Ngoài ra nó cũng được tích hợp sẵn các mạch Preamplifier để khuếch đại tín hiệu của Micro thu âm.
Đầu vào (input) của soundcard là micro thu âm hoặc dây cắm từ nhạc cụ hoặc Ampli. Đây đều là tín hiệu điện, đi qua soundcard sẽ được chuyển hoá thành tín hiệu số (bằng một thiết bị được tích hợp sẵn bên trong tất cả các soundcard gọi là Digital-Analog Converter) để Laptop của bạn có thể hiểu và xử lý được. Khi bạn phát lại âm thanh trên laptop, tín hiệu số từ laptop sẽ đi vào soundcard và được chuyển ngược lại thành tín hiệu điện để phát ra các đầu ra (output) của soundcard, thường là loa kiểm âm hoặc tai nghe kiểm âm.
Soundcard trên thị trường hiện nay có rất nhiều mẫu mã với các phân khúc khác nhau. Thông thường các soundcard càng có nhiều kênh input và output, Preamplifier có chất âm càng hay, Digital-Analog Converter càng xịn giúp giảm độ trễ thì càng có giá cao. Một số hãng Soundcard thông dụng có thể kể đến là Focusrite, Presonus hay Behringer.
4. Micro thu âm
Micro thu âm thường dùng 1 trong 2 loại: Micro điện dung (condenser microphone) và micro điện động (dynamic microphone).
Micro điện dung
có độ nhạy rất cao và âm sắc chân thực ở tất cả dải tần nên thường được dùng nhiều hơn trong môi trường phòng thu để thu âm giọng hát ca sĩ hoặc các nhạc cụ có âm lượng không quá lớn và cần lột tả được những tiểu tiết âm thanh rất tinh tế. Tuy nhiên chính vì độ nhạy rất cao nên nếu không gian thu âm không được thi công tiêu âm triệt để (acoustic treatment) thì sẽ rất dễ lẫn tạp âm vào bản thu. Ngoài ra micro điện dung với độ nhạy quá cao cũng không thực sự lý tưởng để thu các nguồn âm thanh áp suất lớn như trống và guitar điện (ví dụ trong nhạc Rock) hoặc dùng trong biểu diễn live.
Micro điện động
có độ nhạy thấp hơn và âm sắc của dải tần cao cũng không được chân thực như micro điện dung nhưng chính vì lý do này mà nó thích hợp để thu âm trong môi trường nhiều tạp âm, thu âm các nguồn âm thanh có áp suất lớn như ampli guitar hay trống trong nhạc Rock, hoặc dùng trong môi trường biểu diễn live.
Tóm lại việc chọn micro thu âm tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng nhưng nếu muốn 1 setup tinh giản nhất có thể để làm nhạc, mình cho rằng 1 chiếc micro điện dung sẽ thích hợp hơn cả bởi lẽ để dùng được 1 micro điện động để thu âm bạn sẽ cần một Preamplifier cực kì tốt để khuếch đại tín hiệu mà không gây nhiễu quá nhiều, 1 điều mà đa phần các mạch Preamplifier được tích hợp sẵn trong các soundcard nhỏ gọn tầm trung có lẽ sẽ khó đáp ứng được.
Thậm chí nếu nhu cầu thu âm của bạn không cần quá chuyên nghiệp, thì một chiếc micro điện dung phiên bản USB cũng là một lựa chọn không tồi. Phiên bản USB khác với phiên bản thường ở chỗ thay vì cắm nó vào soundcard thông qua kết nối XLR thì bạn có thể cắm micro USB trực tiếp vào laptop (tiết kiệm một khoản đầu tư vào soundcard ^^). Bởi lẽ trong chiếc micro phiên bản USB đã có sẵn Preamplifier và Digital-Analog Converter.
5. Đàn MIDI Keyboard
Đàn MIDI Keyboard có chức năng gửi tín hiệu MIDI tới laptop của bạn, phần mềm DAW sau đó sử dụng tín hiệu MIDI này để điều khiển các nhạc cụ giả lập VST / hộp tiếng phát ra âm thanh. Đàn MIDI chỉ đơn giản là 1 thiết bị phát tín hiệu điểu khiển tới laptop chứ bản thân nó không thể tự phát ra tiếng nhạc cụ như đàn Piano điện hay organ.
Ngoài phím đàn, nhiều đàn MIDI Keyboard thường hay tích hợp sẵn thêm cả các bộ chiết áp (fader), núm vặn (knob), pad, bánh xe (mod wheel), cần gạt (lever) hay cả màn hình hiển thị nhằm mô phỏng cảm giác sử dụng bàn mixer và các thiết bị điều khiển khác trong phòng thu chuyên nghiệp. Tất cả những tín hiệu phát ra từ các nút bấm hay núm vặn trên đàn MIDI đều có thể được map hay gán vào các bất cứ thông số nào có thể tuỳ chỉnh được trên phần mềm DAW (ví dụ volume từng track hay cutoff frequency của Low-pass Filter) nhằm giúp người sử dụng điều chỉnh những thông số này một cách tiện lợi và nhanh chóng không cần dùng tới chuột máy tính.
Có 1 điều bạn cũng nên biết là đa số đàn Organ hay Piano điện hiện nay đều có thể phát tín hiệu MIDI và có thể sử dụng như 1 đàn MIDI Keyboard với dây nối USB thích hợp. Vậy nên nếu bạn đã sẵn có đàn organ hay piano điện nhớ check xem chúng có hỗ trợ phát tín hiệu MIDI không nhé. Bạn sẽ có thể tiết kiệm được 1 khoản đầu tư vào đàn MIDI Keyboard đấy !
Lời kết
Qua bài viết này, mình hi vọng đã giúp bạn phần nào hiểu thêm phần nào về những dụng cụ cần thiết để bắt đầu sản xuất nhạc và tiến gần hơn đến việc thực hiện hoá niềm đam mê của mình.
Cảm ơn bạn đã đọc bài và hẹn gặp lại trong các bài viết tới !
Nguồn: bloglamnhac.com