Mới đây, hãng sản xuất VST nổi tiếng FabFilter đã cho ra mắt phiên bản mới của VST FabFilter Pro Q4. Đây được coi là một trong những VST EQ được sử dụng phổ biến nhất thế giới và trong phiên bản cập nhật này đã có rất nhiều tính năng mới. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhé.
Thừa hưởng những tính năng cơ bản đã có của FabFilter Pro Q3
Trong phiên bản mới cập nhật này, về mặt giao diện FabFilter Pro Q4 ban đầu có giao diện tương đối gần gũi với những người đã quen sử dụng Pro Q3. Vẫn là màn hình chính trực quan, những núm vặn cơ bản như đã có trong FabFilter Pro Q3. Nhà sản xuất đã rất chú tâm vào trải nghiệm và cảm nhận người dùng để vẫn giữ lại những gì quen thuộc của phiên bản cũ.
Không chỉ là giao diện, những chức năng cơ bản của Q3 vẫn được giữ lại. Để nắm được những chức năng cơ bản của nó, bạn có thể xem lại bài viết đầy đủ tại đây:
Hướng dẫn sử dụng chi tiết FabFilter Pro Q3
Tiếp theo chúng ta sẽ cùng đi sâu vào những tính năng mới đáng chú ý của FabFilter Pro Q4
Tính năng tự vẽ đường EQ
Đây là một tính năng mới khá thú vị và gây bất ngờ của nhà sản xuất, khi bạn hoàn toàn có thể tự vẽ ra đường EQ Filter mà bạn muốn. Để kích hoạt tính năng này, bạn click chọn vào biểu tượng bút vẽ tại góc trái dưới cùng của VST
Một màn hình mới hiện ra, lúc này bạn có thể tự do vẽ đường EQ Filter mà bạn mong muốn
Sau khi đã vẽ xong, bạn vẫn có thể tự do điều chỉnh lại chúng theo ý muốn của mình.
Mặc dù là một tính năng khá thú vị, nhưng các Producer có sử dụng tính năng này nhiều không vẫn sẽ còn chờ ở tương lai. Tính năng này có vẻ sẽ khá thú vị nếu như bạn muốn tìm một trải nghiệm mới khi xử lý EQ nhưng chưa thực sự tác động nhiều vào âm thanh một cách tuyệt vời như những tính năng dưới đây mà chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ với các bạn.
Tính năng Dynamic EQ nâng cao
Ở phiên bản cũ, Pro Q3 đã được trang bị một tính năng khá tiện dụng đó là Make Dynamic (khi bạn chuột phải vào điểm mà bạn lựa chọn), điều này sẽ giúp bạn biến điểm đó trở thành một Dynamic EQ.
Định nghĩa Dynamic EQ
Dynamic EQ (hay còn gọi là EQ động) là một công cụ kết hợp giữa chức năng EQ thông thường và Compressor (nén) trong cùng một VST. Chức năng này không chỉ điều chỉnh tần số cụ thể (như EQ) mà còn cho phép thay đổi mức độ tăng giảm của tần số mà bạn chọn ấy dựa theo cường độ âm thanh (Dynamic – độ động). Nói một cách khác, thay vì chúng ta cố định việc tăng hay giảm một dải tần trong một EQ truyền thống, thì với Dynamic EQ nó sẽ tự động điều chỉnh tăng giảm dải tần ấy nếu như tín hiệu vượt qua một ngưỡng (threshold) mà bạn đã thiết lập. Điều này sẽ giúp cho âm thanh được xử lý một cách tinh tế và chi tiết hơn.
Trở lại với FabFilter Pro Q4, để kích hoạt tính năng Dynamic này, bạn vẫn click chuột phải chọn Make Dynamic
Điều chỉnh Dynamic EQ cơ bản
Khi bạn đã bật Make Dynamic lên, bạn sẽ thấy một dải tần dynamic mới được hiện ra và nó sẽ linh hoạt tăng giảm dựa theo tín hiệu khi nó vượt qua ngưỡng threshold. Để dễ dàng điều chỉnh nhất, bạn có thể trực tiếp dùng chuột và lựa chọn mức độ âm lượng Dynamic EQ mà bạn mong muốn hoặc điều chỉnh tăng giảm ở núm Gain.
Điều chỉnh Dynamic EQ chi tiết hơn
Chúng ta cũng có thể điều chỉnh chi tiết hơn bằng cách click vào biểu tượng >> bên trên núm Gain. Bạn điều chỉnh chúng tại ở hai núm vặn nhỏ có ký hiệu là A (Attack) và R (Release). Kéo núm vặn từ phải sang trái (ngược chiều kim đồng hồ) là nhanh hơn, kéo núm vặn từ trái sang phải (thuận chiều kim đồng hồ) là chậm lại.
Thậm chí, bạn cũng có thể điều chỉnh ngưỡng Threshold của Dynamic EQ bằng cách kéo thanh dọc bên trái xuống. Ban đầu nó sẽ có ký hiệu là A (Auto), tức là Pro Q4 sẽ tự động điều chỉnh threshold cho phù hợp. Khi bạn kéo thanh dọc này xuống tức là bạn đang thiết lập một điểm threshold nhất định dựa theo tín hiệu âm thanh của nó.
Nếu vẫn chưa hiểu nhiều về Compressor cùng các thuật ngữ như Attack, Release, Threshold bạn có thể xem bài viết này:
Hướng dẫn sử dụng Compressor FabFilter Pro C2
Tính năng Spectral Dynamic
Một trong những tính năng quan trọng nhất được rất nhiều người thích thú với Q4, đó chính là Spectral Dynamic EQ. Để kích hoạt tính năng này, bạn click chọn biểu tượng đám mây ở trên nút Gain. Đây là một tính năng nâng cao được tích hợp để xử lý âm thanh một cách chi tiết và tinh tế. Tính năng này cho phép Q4 phân tích phổ tần số của âm thanh và thực hiện tác động điều chỉnh dựa trên mức độ cường độ của từng tần số chi tiết trong dải âm thanh ấy. Nói một cách dễ hiểu, Spectral Dynamics xử lý tín hiệu theo từng phần nhỏ trong phổ tần số, giúp kiểm soát sự thay đổi âm thanh một cách chi tiết và tự nhiên hơn so với EQ hay Dynamic EQ thông thường.
Đây là một chức năng nâng cao, nó không giống như Dynamic EQ chỉ hoạt động dựa trên một vài dải tần nhất định, Spectral Dynamic chia nhỏ phổ tần số thành nhiều băng tần siêu nhỏ, giúp bạn kiểm soát chi tiết hơn.
Bạn cũng có thể điều chỉnh tính năng Density của Spectral với thanh ngang ở bên cạnh. Kéo sang trái sẽ khiến các đỉnh bị tác động tròn và rộng hơn, kéo sang phải sẽ khiến các đỉnh bị tác động nhọn hơn.
Tính năng Saturation của Fabfilter Pro Q4
Trước đây, Fab Filter Pro Q3 thường được biết đến như một “clean EQ” khi nó được thiết kế để xử lý âm thanh với độ chính xác cao và không làm thay đổi “màu sắc” của âm thanh hay thêm bất kỳ các hài âm (harmonic distortion) nào vào tín hiệu gốc như các VST EQ giả lập Analog. Tuy nhiên, với phiên bản Q4 này, mọi chuyện đã thay đổi. Fabfilter Pro Q4 đã cho phép bạn tùy chọn điều này tại tính năng Character với ba lựa chọn: Clean, Subtle và Warm.
Clean
Đây là chế độ mặc định của Q4 và nó tương tự như Q3, hoàn toàn trong suốt (transparent). Nó sẽ không thêm bất kỳ hiệu ứng distortion hay saturation nào vào âm thanh. Đây là một lựa chọn phổ biến, đặc biệt là khi bạn đang muốn có sự điều chỉnh EQ một cách chính xác và sạch sẽ nhất.
Subtle
Ở chế độ này, Q4 sẽ thêm một chút saturation rất nhẹ, chủ yếu để giúp âm thanh rõ ràng và có chiều sâu hơn. Distortion là rất nhỏ và gần như bạn sẽ không thể nhận ra, nhưng nó sẽ giúp âm thanh trở nên có sức sống hơn. Đây là đặc điểm trung tính giữa màu trong suốt của Clean và tính ấm kiểu Analog của chế độ Warm tiếp theo.
Warm
Ở chế độ này, Q4 sẽ tăng cường các saturation mạnh mẽ hơn, giúp âm thanh có chất “analog” rõ ràng hơn. Ngoài ra, Q4 còn thêm các harmonic distortion giúp âm thanh trở nên dày và ấm áp hơn. Đây là chế độ thêm màu rõ ràng nhất trong cả ba chế độ, giúp âm thanh trở nên cá tính và mang tính “analog” hơn. Với chế độ này, sẽ rất phù hợp khi bạn áp dụng cho các nhạc cụ như Bass, Drum hay Synth – những âm thanh cần độ dày và năng lượng. Chế độ này cũng rất phù hợp với các bản phối mang màu Vintage hay Analog, tuy nhiên bạn cũng không nên quá lạm dụng tính năng này để âm thanh không bị méo quá mức.
Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về các VST EQ giả lập Analog, bạn có thể tham khảo bài viết này: Giới thiệu về EQ giả lập Analog trong sản xuất âm nhạc
Điều chỉnh cùng lúc nhiều EQ, giúp cân bằng bản Mix dễ dàng
Cuối cùng là tính năng Instant List của Q4 giúp bạn có thể cùng một lúc điều chỉnh EQ của tất cả âm thanh trong bản phối. Điều kiện đó là bạn sẽ thêm Q4 ở mỗi track Mixer, sau đó bạn ấn chọn tab ở giữa bên dưới
Một list các dải tần của các nhạc cụ được hiện ra. Đầu tiên, bạn có thể đặt tên cho chúng bằng cách click đúp vào tên và ghi lại tên theo mong muốn.
Collision Reference giúp tránh xung đột tần số giữa các nhạc cụ
Xử lý xung đột dải tần
Một tính năng vô cùng mạnh mẽ của Q4 ở chế độ này, đó là Collision Reference, bạn click chọn vào chữ C có dấu tròn ở giữa ở nhạc cụ mà bạn muốn xử lý. Tính năng này được thiết kế giúp chúng ta phát hiện và xử lý các xung đột tần số (frequency collisions) giữa các nhạc cụ hoặc tín hiệu âm thanh khác nhau trong bản mix. Đây là một tính năng vô cùng quan trọng giúp cải thiện sự rõ ràng và cân bằng trong bản mix, đặc biệt là với những nhạc cụ có dải tần chồng chéo nhau.
Khi bạn đã bật tính năng này, Q4 sẽ so sánh các dải tần số khác nhau và làm nổi bật các khu vực mà phổ tần số của nhạc cụ bạn chọn bị chồng chéo với các nhạc cụ hoặc gây ra xung đột. Đây chính là tình trạng xung đột giữa các âm thanh mà chúng ta thường gặp phải trong Mixing. Nếu không xử lý các xung đột tần số này, chúng ta sẽ khiến bản phối bị đục (muddy) hoặc che lấp lẫn nhau.
Khi đã xác định các điểm xung đột này rồi, bạn chỉ cần điều chỉnh hợp lý cùng lúc nhiều EQ khác nhau một cách hoàn toàn dễ dàng mà không phải căng tai xác định như trước nữa. Đây là một tính năng vô cùng tuyệt vời giúp Mixing trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Tính năng ghim trong Collision Reference
Bạn cũng hoàn toàn có thể ghim các EQ nhạc cụ bạn muốn với biểu tượng ghim để giúp công việc trở nên dễ dàng hơn.
Điều chỉnh pha hợp lý khi EQ
Ngoài ra, bạn cũng có thể điều chỉnh pha trong quá trình EQ. Tại Fab Q4, bạn có thể lựa chọn pha phù hợp khi EQ, sẽ có ba chế độ cho bạn lựa chọn là Zero Latency, Natural Phase và Linear Phase.
Trong đó, Zero Latency phù hợp khi bạn muốn nghe kết quả ngay lập tức, độ trễ thấp nhất (không đáng kể), rất phù hợp cho các dự án Live. Tuy nhiên, ở chế độ pha này, đặc biệt ở dải tần thấp, âm thanh có thể bị lỗi pha dẫn đến tình trạng âm thanh mất độ chắc (ví dụ ở Bass), âm thanh nghe bị kém tự nhiên. Do đó, ở chế độ Zero Latency này sẽ không phù hợp trong quá Mixing và Mastering chuyên sâu.
Natural Phase là chế độ pha tự nhiên, phù hợp với hầu hết các trường hợp Mixing và Mastering do giữ được sự tự nhiên của âm thanh, ít gây ra vấn đề về pha. Ở chế độ này, âm thanh vẫn giữ được sự trung thực và độ trễ cũng không quá ảnh hưởng. Do đó, Natural Phase sẽ là lựa chọn hợp lý trong đại đa số trường hợp Mixing.
Linear Phase là chế độ mà tất cả các tần số giữ được mối quan hệ thời gian ban đầu của chúng, bất kể EQ cắt hoặc boost mạnh cỡ nào. Nhược điểm rất lớn của chế độ pha này là nó gây ra độ trễ tương đối, khiến việc Mixing trở nên hơi bất tiện. Ngoài ra, chế độ này cũng gây ra tình trạng méo tiếng ở dải cao (Pre Ringing). Chế độ Linear Phase này thường chỉ sử dụng khi bạn muốn cắt tần số thấp trong dải Stereo hay khi bạn muốn thực hiện parallel EQ. Nói chung, thông thường, chúng ta sẽ ít khi sử dụng chế độ này trừ khi bạn phải hiểu rõ về nó khi sử dụng.
Dưới đây là bảng so sánh ba chế độ pha khi EQ mà bạn có thể tham khảo:
Chế độ | Ưu điểm | Nhược điểm | Ứng dụng chính |
---|---|---|---|
Zero Latency | Phản hồi tức thì, không có độ trễ | Dịch chuyển pha ở tần số thấp | Live, mixing giai đoạn đầu |
Natural Phase | Âm thanh tự nhiên, ít bị dịch chuyển pha | Có thể vẫn gây dịch chuyển pha nhẹ | Mixing, Mastering (được sử dụng chủ yếu) |
Linear Phase | Không bị dịch chuyển pha, độ chính xác cao | Độ trễ cao, đôi khi bị méo âm thanh nhẹ ở dải cao | Cắt tần số thấp trong dải Stereo, parallel EQ |
Tổng kết
Như vậy trong bài viết này, chúng tôi đã nói khá chi tiết các sử dụng FabFilter Pro Q4. Đây thực sự là một VST EQ mang tính cách mạng và bạn nên sở hữu. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích các bạn. Xin chào và hẹn gặp lại.