Mp3 và Wav là hai định dạng phổ biến nhất khi bạn nghe nhạc. Trong quá trình làm nhạc, chắc hẳn bạn đã đặt ra những câu hỏi như nên xuất file ở định dạng nào và tại sao? Ngoài ra là những chi tiết so sánh giữa định dạng Wav và Mp3 mà bạn có thể chưa biết, trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhé.
Định nghĩa về Wav và Mp3
Wav là định dạng âm thanh không bị nén (lossless), có chất lượng âm thanh cao, trung thực và bảo toàn toàn bộ chi tiết âm thanh gốc. Đây là định dạng phù hợp với những thiết bị nghe nhạc chất lượng và cũng có thể được sử dụng để chỉnh sửa âm thanh.
Ngược lại, Mp3 là định dạng âm thanh đã bị nén (lossy), chúng được giảm kích thước file bằng cách loại bỏ đi những chi tiết âm thanh ít quan trọng mà tai người khó nghe được. Chất lượng âm thanh của Mp3 dĩ nhiên sẽ kém hơn so với Wav.
Sở dĩ định dạng Mp3 đã phát triển trong một thời gian dài thay vì người dùng nghe nhạc Wav, đó là vì vào những năm đầu thế kỷ 21, tốc độ mạng internet vẫn còn khá chậm và thiết bị nghe nhạc dung lượng còn thấp, do đó các máy nghe nhạc sẽ thường ưa thích định dạng Mp3 hơn vì có thể lưu trữ được nhiều bài nhạc hơn. Do không bị nén dữ liệu, do đó file Wav thường có dung lượng khá nặng, thường là khoảng 10MB/phút với 44.1 kHz, 16 bit. Vì thế, một bài nhạc 3 phút có thể nặng tới 30 MB. Ngược lại, với định dạng Mp3 với bitrate 320 kbps chỉ chiếm khoảng 7 – 10 MB trong khi chất lượng của bài hát định dạng Mp3 320 kbps nghe chất lượng gần bằng với Wav (nếu nghe ở các thiết bị nghe nhạc phổ thông). Chính vì đặc điểm nổi bật này mà định dạng Mp3 vẫn là định dạng được yêu thích và có tính ứng dụng cao. Thậm chí, trên nhiều nền tảng phát nhạc trực tuyến, khi bạn upload nhạc lên, họ vẫn sẽ tự động nén nhạc của bạn thành Mp3 để lưu trữ và phát hành.
Kbps trong Mp3 nghĩa là gì và tôi nên chọn Kbps bao nhiêu là đủ?
Bạn có thể thấy những ghi chú như Mp3 128 Kbps, 256 Kbps hay 320 Kbps. Kbps ở đây được hiểu là đơn vị đo tốc độ truyền dữ liệu của Mp3, cụ thể là số lượng dữ liệu âm thanh được mã hóa trong một giây. Kbps (kilobits per second) có thể cho chúng ta thấy mức độ nén và chất lượng đang có của Mp3. Khi đề cập đến độ nén của Mp3, chúng ta sẽ đề cập đến bitrate – một yếu tố quan trọng quyết định kích thước file và chất lượng âm thanh
Các mức Bitrate phổ biến của Mp3
- 128 Kbps:
- Là mức bitrate phổ biến trước đây, nhưng hiện tại được xem là thấp.
- Âm thanh có chất lượng cơ bản, nhưng chi tiết và độ rõ nét giảm đáng kể. Thích hợp cho các môi trường không yêu cầu chất lượng cao (ví dụ: loa ngoài cơ bản).
- 192 Kbps:
- Chất lượng tốt hơn 128 Kbps, giữ được nhiều chi tiết hơn, nhưng vẫn mất một số tần số cao.
- Được sử dụng phổ biến hơn.
- 256 Kbps:
- Chất lượng âm thanh khá tốt, khó phân biệt với nhạc gốc trong môi trường thông thường.
- 320 Kbps:
- Là mức bitrate cao nhất của MP3, gần đạt đến chất lượng của file gốc (như WAV).
- Sự khác biệt với file WAV sẽ khó nhận ra trừ khi sử dụng thiết bị âm thanh cao cấp hoặc trong môi trường chuyên nghiệp.
Bit depth trong Wav là gì?
Tương tự, với file Wav bạn cũng có thể thấy Wav 16 bit, 24 bit và 32 bit, chúng là các định dạng của độ sâu bit (bit depth) của file Wav, quyết định chất lượng, độ chi tiết và độ động (dynamic) của âm thanh. Với mỗi mức bit depth ấy lại ý nghĩa và ứng dụng riêng, phụ thuộc vào yêu cầu kỹ thuật mà bạn đang làm việc.
So sánh WAV 16-bit, 24-bit và 32-bit
Đặc điểm | 16-bit | 24-bit | 32-bit (Float) |
---|---|---|---|
Dải động | 96 dB | 144 dB | 1528 dB (về mặt lý thuyết) |
Chi tiết âm thanh | Đủ tốt cho tai nghe | Cao hơn, phù hợp thu âm chuyên nghiệp | Rất chi tiết, thường chỉ dùng trong sản xuất |
Kích thước file | Nhỏ nhất | Lớn hơn 16-bit | Lớn nhất |
Ứng dụng | CD nhạc, nghe nhạc thường | Thu âm phòng thu, chỉnh sửa chuyên nghiệp | Âm thanh chuyên sâu, sản xuất phim, mastering |
Nếu như bạn chỉ là một người nghe nhạc thông thường, định dạng Wav 16 bit là đủ vì tai người sẽ không cảm nhận được sự khác biệt giữa 24 bit và 32 bit trong điều kiện nghe nhạc thông thường. Định dạng 24 bit sẽ cao cấp hơn, phù hợp trong thu âm và chỉnh sửa âm thanh vì chúng chi tiết hơn cũng như có dải động tốt hơn. Định dạng 32 bit float lý tưởng cho các nhà sản xuất âm thanh hoặc kỹ sư chuyên nghiệp, nổi bật nhất ở đặc điểm đó là chúng không bị méo tiếng khi bị xử lý âm thanh nhiều lần.
Tôi không phân biệt được file Mp3 và Wav, điều này tức là sao?
Trên thực tế, những người nghe phổ thông có thể sẽ không phân biệt được giữa file Mp3 và file Wav, đặc biệt là Mp3 320 Kbps. Điều này cho thấy bạn đang sử dụng thiết bị nghe nhạc phổ thông hoặc bạn chưa để ý kỹ những chi tiết giữa hai định dạng này. Hiện nay, với những thiết bị chuyên nghiệp như tai nghe kiểm âm, bạn có thể phân biệt được sự khác biệt giữa hai định dạng này một cách dễ dàng hơn. Sau đây là những đặc biệt bạn có thể để ý tới.
Mp3 nghe tối hơn Wav
Chi tiết đầu tiên bạn có thể phân biệt đó là những bài nhạc Mp3 nghe sẽ bị tối hơn Wav. Đó là vì một số dải tần trên nhạc Mp3 đã bị cắt bỏ, đặc biệt là dải cao và tần số cực thấp. Nếu để ý kỹ, âm Bass trong Mp3 sẽ nghe kém sâu hơn so với Wav. Ngoài ra, âm treble sẽ dễ bị mất chi tiết hơn nếu so sánh với Wav. Chính bởi vì đã bị cắt các dải tần số này, nên người nghe nếu để ý kỹ sẽ cảm giác nhạc Mp3 nghe sẽ bị tối hơn so với Wav.
Wav nghe không gian sống động hơn Mp3
Đối với nhạc Mp3, đặc biệt ở dải tần số cao (treble), một số chi tiết nhỏ đã bị mất đi do bị nén, do đó âm thanh của chúng sẽ kém rõ ràng hơn và khó tái hiện được đầy đủ cảm nhận không gian như file Wav. Ngược lại với Wav, bạn sẽ cảm nhận bài nhạc được rộng và sâu hơn, trong khi Mp3 thì lại cảm giác “bằng phảng” và kém rõ ràng hơn. Ngoài ra, Wav cũng cho bạn cảm nhận các vị trí nhạc cũ và ca sĩ rõ ràng và sống động hơn nhiều so với Mp3.
Cảm nhận về độ động của Wav so với Mp3
Với độ động (dynamic range) đã bị nén, Mp3 sẽ có xu hướng cảm thấy bị “nghẹt” và không được bùng nổ như Wav. Các đoạn nhạc, chi tiết âm thanh nhỏ có thể bị chìm hẳn trong bài nhạc của Mp3. Ngược lại, với độ động cao, sự khác biệt giữa âm thanh nhỏ nhất và lớn nhất của Wav được tái hiện đầy đủ. Chúng mang lại cảm giác mạnh mẽ hơn, đặc biệt là ở các đoạn cao trào hay thay đổi âm lượng đột ngột trong bài nhạc (đặc biệt là với những bài nhạc House).
Nghe nhạc Mp3 lâu sẽ nhanh bị mệt hơn so với Wav?
Có thể bạn chưa thể phân biệt khi nghe nhạc Mp3 và Wav, tuy nhiên chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được nếu nghe trong một thời gian dài. Điều này được thể hiện bởi thuật ngữ “tần số mệt mỏi khi nghe lâu” (Fatigue). Đối với file Wav, vì được giữ nguyên các chi tiết so với bản gốc, do đó bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi nghe lâu, âm thanh trung thực và rõ ràng. Bạn sẽ ít bị cảm giác “nặng tai” khi nghe liên tục trong một thời gian dài. Ngược lại với Mp3, đặc biệt với bitrate thấp, âm thanh bị méo và giảm chi tiết khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi nếu nghe trong một thời gian dài. Các âm thanh bị nén quá mức (đặc biệt ở dải cao) sẽ khiến tai cảm thấy bị khó chịu.
Tại sao các loa phổ thông lại không phân biệt được Mp3 và Wav?
Các loại phổ thông có thể kể đến như loa máy tính, loa Bluetooth thông thường, sẽ không tái tạo được toàn bộ dải tần âm th anh, đặc biệt là các dải tần số thấp (sub bass) và tần số cao (treble). Điều này làm mất đi những chi tiết mà Wav vượt trội so với Mp3, đó là điều khiến cho nhiều người khi nghe qua loa văn phòng lại không thể phân biệt được hai định dạng này. Ngoài ra, những loa văn phòng này thường hạn chế trong việc tái tạo các chi tiết âm thanh, khiến những chi tiết trong bài nhạc của Wav không được tái hiện đầy đủ khi so sánh với Mp3. Nếu bạn sử dụng loa chất lượng cao hoặc loa phòng thu (monitor speakers), sự khác biệt giữa Mp3 và Wav sẽ rõ rệt hơn, đặc biệt ở các dải tần cao và khả năng tái tạo không gian âm thanh.
Tại sao nhạc Mp3 bitrate thấp sẽ bị rè khi tăng âm lượng
Phần mềm giúp kiểm tra chất lượng nhạc
Tổng kết
Trên đây, chúng ta đã cùng tìm hiểu khá chi tiết về hai định dạng phổ biến Mp3 và Wav. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích các bạn. Xin chào và hẹn gặp lại.